Sinh tại nhà là đặt con mình vào nơi nguy hiểm

Phụ nữ có quyền lựa chọn cách thức sinh con và chọn nơi sinh con nhưng họ không có quyền đặt đứa con của mình vào nơi báo trước sự nguy hiểm. Các chuyên gia cũng khẳng định, sinh tại nhà là nguy hiểm, liều lĩnh và vô trách nhiệm với trẻ.

Dư luận đang xôn xao trước thông tin mẹ con sản phụ tử vong do sinh con thuận tự nhiên tại nhà. Thế nhưng, nhiều người lý giải ở các nước phương Tây phụ nữ vẫn tự sinh tại nhà mà không sao? Vậy, ở các nước phương Tây, việc sinh con tại nhà được thực hiện như thế nào, biến chứng, rủi ro ra sao. PNVN giới thiệu ý kiến của bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Đa khoa Xanh Pôn) xung quanh vấn đề này.

"Trong suốt lịch sử loài người, phụ nữ luôn sinh con tại nơi họ ở, với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân thích.

Sự chuyển hướng sinh con ở bệnh viện chỉ mới bắt đầu từ thế kỉ XVIII.

Cho đến những năm 1950, thì việc sinh con ở nhà giảm đi nhanh chóng, mặc dù hệ thống y tế và pháp luật ở các nước Âu – Mỹ vẫn chấp nhận, nhưng kèm theo đó là những tiêu chuẩn và khuyến cáo rất khắt khe.

Nước Anh năm 1959 có 34% phụ nữ đẻ con tại nhà nhưng đến năm 2010 đã rút xuống còn 2,7%. Cùng thời điểm, Scotland chiếm tỉ lệ 2% và Bắc Ailen là 0,4%.

Bác sĩ Trần Văn Phúc thăm khám cho bệnh nhân

Sinh con tại nhà: Nên hay không nên?

Philip Steer, Giáo sư danh dự chuyên ngành phụ sản của trường Quốc học Imperial College London (Anh), người đã trợ giúp cho hơn 8.000 ca sinh nở và là cố vấn cho Ủy ban Y tế Nicholas Winterton khi tiến hành điều tra sâu về các dịch vụ chăm sóc thai sản vào năm 1992, ông nhấn mạnh bản thân không phải là người chống lại phong trào tự sinh đẻ tại nhà. Nhưng ông thừa nhận cảm thấy thất vọng khi có những nhóm phụ nữ nói rằng hầu hết phụ nữ nên sinh theo cách thuận tự nhiên.

Sự ra đời của một đứa trẻ không hề đơn giản như nhiều lời tuyên bố. GS Steer lập luận: “Trong hơn nửa triệu năm qua, xương chậu của phụ nữ đã nhỏ đi nhiều để thích ứng với dáng đi thẳng. Cùng với đó là trí tuệ phát triển, làm cho cái đầu trước kia bé thì nay to ra. Ở một số nước nghèo như châu Phi, sản phụ và thai nhi đã bị chết vì đầu thai tắc nghẽn khi phải sinh theo cách tự nhiên, ví dụ như ở Nigeria”.

Đồng ý rằng, mọi cặp vợ chồng đều có quyền quyết định việc sinh con ở đâu và cách sinh như thế nào. Nhưng rõ ràng, quyết định sinh con tại nhà là hoàn toàn liều lĩnh, gây ra sự chậm trễ cho cơ hội được cứu sống khi xảy ra tai biến.

GS Steer khẳng định, những phụ nữ đẻ con tại nhà đã phát sinh rất nhiều tình huống bất ngờ so với sinh ở BV. Theo ông, khoảng một nửa phụ nữ ở Anh sẽ hoặc có phát triển một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, như tăng huyết áp, tiểu đường. Vì thế, sinh đẻ ở BV cần phải được khuyến khích. Trong 50% còn lại, thì sẽ có tới một nửa phát sinh vấn đề trong và sau quá trình chuyển dạ, ngay cả khi cuộc đẻ đã kết thúc tốt đẹp, thì sau đó vẫn phải vận chyển cấp cứu đến BV. Đó là một quyết định hoàn toàn liều lĩnh, gây ra sự chậm trễ cho cơ hội được cứu sống khi xảy ra tai biến.

Năm 2003, mẫu giấy khai sinh của Hoa Kỳ đã được điều chỉnh, theo đó giấy khai sinh phải ghi nơi sinh và người đỡ đẻ. Điều đó giúp cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành nghiên cứu, so sánh tỉ lệ trẻ tử vong khi sinh tại nhà và tại BV.

Trong quá trình mang thai và sinh nở, chị em nên đến BV để được chăm sóc tốt nhất

Số liệu được CDC thu tập từ năm 2008 đến năm 2012, được công bố vào năm 2013, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong do các bà đỡ tại nhà gấp 3,5 lần so với đẻ tại BV. Riêng tiểu bang Oregon, số liệu thống kê năm 2012 cho thấy tỉ lệ tử vong sinh tại nhà tăng cao đột biến gấp 8 lần.

Tháng 2/2014, Tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu với cỡ mẫu đủ lớn, lên tới 10.453.778 trường hợp bà mẹ sinh con tại Mỹ, phát hiện ra rằng trẻ sinh tại nhà có tỉ lệ tử vong gấp 4 lần sinh ở BV.

Sự liều lĩnh, vô trách nhiệm của bà mẹ với trẻ

Dựa trên hàng loạt nghiên cứu uy tín, năm 2010, tạp chí The Lancet đăng tải một bài xã luận vang dội khắp thế giới, cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ về việc sinh con tại nhà có hại cho trẻ sơ sinh. Bài báo một lần nữa khẳng định: “Phụ nữ có quyền lựa chọn cách thức sinh con và chọn nơi sinh con, nhưng họ không có quyền đặt đứa con của họ vào nơi báo trước sự nguy hiểm”.

Hầu hết chuyên gia y khoa đều cho rằng, sinh tại nhà là nguy hiểm và vô trách nhiệm. Một số người cho rằng, hành động đó là liều lĩnh, mà bản chất của nó là ngược đãi trẻ em. Sự can thiệp của y học hiện đại là cần thiết, nó an toàn cho các bà mẹ, nhất là những người có nguy cơ, thời gian phục hồi ngắn, giảm tỉ lệ xuất huyết, khắc phục tình trạng rách tử cung âm đạo, giảm nhiễm trùng.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến phản đối từ chính cộng đồng y khoa. Ví dụ như bà Annie Francis, một nữ hộ sinh độc lập, bà cho rằng bức tranh tổng thể là đáng xấu hổ, đang có một “âm mưu toàn cầu chống lại phụ nữ sinh tại nhà”.

Ở Mỹ cũng vậy. Một số nhà chính trị cao cấp của thành phố New York, trong đó có Scott Stringer là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Manhattan. Ông nói: “Mỗi năm có khoảng 600 phụ nữ ở thành phố này sinh con, trong số đó có những phụ nữ muốn sinh con ở nhà, việc lấy đi quyền lựa chọn của họ thật là điều đáng xấu hổ”.

Cá nhân tôi cho rằng, sinh con tại nhà trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam là không phù hợp. Điều đó không nên được khuyến khích, thậm chí có thể áp dụng những chế tài cấm hỗ trợ sinh sản, giống như Hungaria đang làm, để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là tính mạng của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Sau câu chuyện của bà mẹ Hưng Yên tự đỡ đẻ tại nhà, tôi hi vọng mỗi bà mẹ sẽ có kiến thức để thực hiện quyền lựa chọn nơi sinh và cách thức sinh con. Nhưng điều tôi muốn cảnh báo, rằng cho đến khi nền văn hóa của chúng ta học được cách đối mặt với cái chết một cách chủ động, thì ở thời điểm hiện tại cách sinh ấy không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sống.

Như Ngọc (ghi)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/sinh-tai-nha-la-dat-con-minh-vao-noi-nguy-hiem-post39915.html