Sinh ra không biết mặt cha, hai em bé bơ vơ sau khi mẹ bất ngờ qua đời

Cả hai anh em sinh ra đều không biết mặt cha, và bất ngờ người mẹ thân yêu, chỗ dựa duy nhất lại qua đời. Sự nghiệt ngã của số phận khiến em trở thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Tương lai phía trước của các cháu mờ mịt, tối tăm.

Sự nghiệt ngã của số phận

Đang ôm đứa em ngồi trước cửa nhà, thấy người lạ đến cậu bé Bùi Tấn Lộc (SN 2007), trú tại xóm 1, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nhanh nhẹn bước đến rót bát nước chè mời khách. Mới 12 tuổi nhưng Lộc già dặn so với các bạn cùng lứa tuổi, em không có sự tinh nghịch mà ẩn chứa nỗi đau, bởi giờ đây em là chủ ngôi nhà sau khi người mẹ vừa mới qua đời.

Thấy chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1956, ông ngoại Lộc), trú xóm 7, xã Nam Thái bước vào. Mái tóc của ông Hồng đã điểm bạc, nay càng thêm trắng do quá đau thương khi người con gái mới qua đời. Ông kể, gia đình có 3 người con gái, trong đó Nguyễn Thị Hoa (SN 1978) là con đầu. Do hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu nên chị Hoa phải bỏ học từ sớm. Năm 2005, chị Hoa theo bạn bè vào miền Nam để làm thuê. Tại đây, chị yêu một nam thanh niên quê Bình Dương có cùng cảnh ngộ. Hai người sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn và sau đó sinh ra cháu Bùi Tấn Lộc. “Tôi cũng chưa biết mặt chàng rể này, do khoảng cách địa lý xa quá nên hai đưa chưa kịp về ra mắt thì có con. Sau đó Hoa sinh đẻ ở trong miền Nam luôn. Gia đình cứ nghĩ con đã có hạnh phúc của đời mình, không ngờ...”, ông Hồng ngậm ngùi kể.

Tuy nhiên, đến thời điểm cháu Lộc mới tròn 2 tuổi thì bất ngờ chị Hoa bế con về quê. Chị bảo, do cuộc sống vất vả, hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn dẫn đến việc mỗi người một ngả. Chị Hoa đành phải đưa con về quê nương nhờ bố mẹ đẻ. Giận con nhưng thương cháu ngoại vô tội, vợ chồng ông Hồng mở rộng vòng tay, giúp chị Hoa vượt qua những khó khăn trước mắt. “Tôi còn có một mảnh đất hương hỏa, vì vậy, một thời gian sau, vợ chồng tôi quyết định dựng cho hai mẹ con nó một căn nhà ở đây. Do không làm được công việc nặng nhọc nên Hoa mở một quán hàng tạp hóa nhỏ trước nhà để bán, mong kiếm thêm chút tiền mua gạo nuôi con. Tuy nhiên, từ ngày trở về Hoa bỗng trở bệnh, uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm, không có sức làm việc nên phải đóng quán”, ông Hồng thở dài.

Cảnh sống hai mẹ con đơn thân vô cùng vất vả, không có chỗ nương tựa nên chị Hoa có quan hệ với một người đàn ông trong xã. Cũng từ đó, chị Hoa có thêm một người con là cháu Trần Văn Thành Đạt (SN 2018). Tuy nhiên vì nhiều lý do nên hai người cũng không thể đến được với nhau, một mình chị Hoa chăm sóc các con nhỏ.

Người ông ngoại quay đầu nhìn hai cháu, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Cuộc đời của Hoa vô cùng bi thảm, chắc là do số phận như vậy rồi nên vợ chồng tôi cũng không biết làm như thế nào. May mà hai đứa cháu ngoại tuy khác bố nhưng vẫn còn chung dòng máu, vì thế chúng rất quấn quýt nhau. Cứ đi học về thì Lộc lại chạy đến bế em để mẹ làm việc. Thằng Đạt cũng rất thích anh, ai bế cũng khóc nhưng thấy anh dỗ là nín ngay”.

Không có cha, hai đứa trở bơ vơ khi mẹ mất.

Không có cha, hai đứa trở bơ vơ khi mẹ mất.

Sóng gió ập đến

Cuộc sống của 3 mẹ con cứ lặng lẽ trôi qua. Để có tiền nuôi con, chị Hoa đã xin đi bán cháo đêm thuê cho một quán hàng ở thị trấn Nam Đàn. Nhưng do sức khỏe yếu nên nhiều lần chị ngã quỵ. Cuối cùng, điều đau lòng cũng xảy ra, vào một đêm tháng Chín, khi đang làm việc thì bất ngờ chị ngất xỉu đổ gục tại chỗ. Mặc dù những người xung quanh cấp tốc đưa chị đến bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn cấp cứu, nhưng chị Hoa đã không qua khỏi.

Ông Hồng xót xa nhớ lại: “Đêm đó trời mưa như trút, tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy có điện thoại mới biết Hoa đang được đưa đến bệnh viện. Khi đến nơi thì con đã ra đi. Lâu nay, tôi có khuyên con là sức khỏe yếu đừng đi làm thêm nữa, nhưng nó cứ đi. Hoa bảo phải cố gắng đi làm kiếm thêm tiền chứ Lộc sắp nộp học phí, còn Đạt cũng cần uống sữa. Nào ngờ....”.

Chị Hoa ra đi khi tuổi đời còn trẻ, bỏ lại hai đứa con nhỏ dại. Hiện nay cháu Bùi Tấn Lộc đang học lớp 7, trường THCS Hưng Thái Nghĩa. Còn cháu Trần Văn Thành Đạt chưa đầy 2 tuổi, mới tập nói bi bô. Ngày đám tang diễn ra, rất đông người dân đến đưa tiễn. Nhìn vành khăn tang quấn trên đầu những đứa trẻ mồ côi, ai cũng xót xa đến quặn ruột. Sau khi mẹ mất, cháu Lộc dù mới 7 tuổi nhưng hình như trái tim non nớt của bé đã cảm nhận được phần nào nỗi đau mất mẹ, hiểu nỗi trống trải trong căn nhà phủ trắng khăn tang. Được biết, từ lúc không còn mẹ, Lộc không muốn đi học nữa, thằng bé chỉ ở nhà ôm em. Còn cháu Đạt do còn quá nhỏ nên vẫn chưa biết gì, nên chỉ quấy khóc gọi mẹ khi đói ăn, khát sữa. Trong phút chốc, hai đứa con của chị Hoa đang tuổi ăn, tuổi lớn bỗng trở thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa khiến những người chứng kiến thấy cay mắt vì thương cảm.

Nói về cuộc đời khốn khổ của đứa con gái vắn số, bất hạnh, bà Hà Thị Cúc (SN 1957, bà ngoại các cháu) ôm lấy cháu Đạt òa lên khóc nức nở: “Con tôi đã khổ rồi, các cháu của tôi còn khổ hơn. Từ lúc sinh ra, cả hai đã không biết mặt bố, không được nhận những chăm sóc yêu thương của bố như những đứa trẻ khác, nay người mẹ thân yêu nhất lại ra đi. Vợ chồng chúng tôi đã già yếu, không sống được bao lâu nữa. Các cháu của chúng tôi giờ biết sống như thế nào đây”.

Vợ chồng ông Hồng cũng chỉ làm nông, họ hàng cũng không có ai khá giả. Nhìn gia cảnh ấy, ai cũng cố nén tiếng thở dài khi nghĩ đến tương lai của những cháu nhỏ. Hỏi Lộc, cậu bé hớn hở khoe năm vừa rồi mới được giấy khen. Song, bất giác thằng bé lại lắc đầu: “Chắc cháu không đi học nữa đâu, ở nhà chăm em. Từ khi mẹ chết thì em cứ đòi mẹ, cháu phải pha sữa bột cho em ăn”. Nghe vậy, ai cũng quay đi giấu những giọt nước mắt.

Anh Ngọc

Bài đăng trên báo giấy Đời Sống & Pháp luật số 42

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/sinh-ra-khong-biet-mat-cha-hai-em-be-bo-vo-sau-khi-me-bat-ngo-qua-doi-a297427.html