Sinh quyển 2: Ước mơ không thành hiện thực

Khi những con chim ruồi chết gần hết, những con gián xuất hiện khắp nơi và một loại vi khuẩn ăn vào lượng oxygen tự sản xuất ít ỏi thì nhà ngân hàng Steve Bannon xuất hiện như một 'cứu tinh', nhưng chừng đó cũng không đủ để cứu cuộc thí nghiệm khoa học thú vị nhưng có lắm vấn đề này.

The Biosphere 2 hoàn thành năm 1991.

The Biosphere 2 hoàn thành năm 1991.

Dự báo không thành hiện thực

Chưa có ai từng xây dựng một thế giới sinh thái khắn kín có qui mô lớn như Biosphere 2, và cũng chưa có ai đủ sức sống quá lâu trong đó. Dự án sau hai lần thí nghiệm đã bị ngưng lại vì bị phê phán là “điên rồ” và “lãng phí vô ích”. Nhưng 25 năm sau, Biosphere 2 được xới lại với hy vọng là nó sẽ giúp tìm ra một số bài học về cách quản lý Biosphere 1, tức Trái đất chúng ta đang sống.

Ý tưởng về Biosphere 2 bắt đầu manh nha tại trang trại Synergia Ranch ở bang New Mexico, Mỹ vào đầu thập niên 1970 khi các cư dân ở đó đang vừa làm nông, vừa tiến hành một thí nghiệm nhỏ về khả năng tự duy trì và sản xuất đồ nội thất. Họ bỗng thấy mình là người đang thu nhặt những phần còn lại trong đống đổ nát của nền văn minh phương Tây.

John Allen, người sáng lập Biosphre 2 và các cộng sự bắt đầu tìm cách hội nhập công nghệ và sinh thái thành một dạng mới. Họ nhận được sự hỗ trợ của doanh nhân Ed Bass, thành viên một gia đình Texas giàu có, chủ tịch công ty Space Biospheres Ventures.

Năm 1984, công ty thông báo sẽ xây dựng một công trình không cho không khí lọt vào để những hệ sinh thái trên Trái đất có thể tự tồn tại và phát triển bên trong. Những người tham gia thí nghiệm sẽ có đủ không khí để thở, nước uống và thức ăn.

Khi Biosphere 2 hoàn thành trên sa mạc, nó lập tức thu hút sự quan tâm của báo chí với các bài viết trang đầu như Desert Dreamers Build a Man-Made World đăng trên tờ The New York Times. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Discover, nhà khoa học Carl Hodges thuộc Đại học Arizona tiên đoán “Biosphere 2 sẽ trở thành một dự án khoa học có ý nghĩa nhất mọi thời”.

Chương trình truyền hình Prime Time Live của kênh ABC News còn tiên đoán “thí nghiệm có thể cứu thế giới”. Thật ra, ý tưởng về dự án, nghe có vẻ giả tưởng này đã có khá lâu. Từ “biosphere” xuất hiện từ thập niên 1800. Năm 1926, nhà khoa học Nga Vladimir Vernadsky xuất bản cuốn sách nói về khái niệm này. Đối với Vernadsky, sinh quyển là “một mạng sinh thái của các thể sống tự duy trì tạo ra lớp vỏ bọc cho hành tinh”.

Định nghĩa của ông trở thành nguồn cảm hứng để nhiều nhà sinh thái học xây dựng những quả cầu chứa nước, tảo và các động vật không xương sống nhỏ.

Biosphere 2 được xem là “bước nhảy lớn của giấc mơ lớn, nơi canh tác 3.800 loài thực vật và động vật, kể cả chim dại và những con vật linh trưởng giống như vượn cáo, gọi là “bush baby”.

Nước thải sẽ được đưa vào đất, nơi các vi sinh vật sẽ loại bỏ những chất ô nhiễm. Kế hoạch xây dựng một thế giới thoát khỏi ô nhiễm và các thảm họa khác trên trái đất vào cuối thế kỷ 20 đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học.

Những nhà nghiên cứu tham gia dự án Biosphere 2.

Đêm trước khi sứ mệnh chính thức bắt đầu, Space Biospheres Ventures tổ chức một đại hội khiêu vũ với sự tham gia của 2.000 người. Vào buổi sáng ngày 26/9/1991, trong 8 người tình nguyện gọi là “cư dân sinh quyển” (Biospherian) đi qua một dàn phóng viên ảnh trong trang phục nhảy dù màu xanh giống như bước ra từ bộ phim du hành vũ trụ Star Trek VI.

Sau khi cửa trập không khí được đóng, Biospheres 2 cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhóm thử nghiệm vẫy tay chào những người đưa tiễn từ sau tấm kính. Màn chia tay này được xem là chiến lược quảng cáo thành công của một công ty có kế hoạch kiếm tiền từ Biospheres 2.

Hàng ngàn du khách trả tiền chỉ để được đi vòng quanh Biosphere 2 và ngắm những người sống bên trong. Những phương pháp thử nghiệm bên trong sinh quyển như cách chế biến nước thải cũng có thể trở thành bằng sáng chế kiếm được khá tiền sau này.

Allen và các cộng sự mường tượng đến ngày mô hình của mình được nhiều nơi đặt hàng. Năm 1995, họ còn hy vọng đưa một sinh quyển nhân tạo lên quĩ đạo Trái đất và có lẽ trong tương lai không xa sẽ xây dựng cả Biosphere trên Mặt trăng và sao Hỏa!

Trò lừa và giấc mơ chết yểu

Tuy nhiên, thử nghiệm trong Biosphere 2 lại không sáng sủa như thế. Hai tuần sau khi vào sống bên trong, một người tên Jane Poynter bị máy chà gạo cắt đứt đầu ngón tay. Bác sĩ Roy Walford sống chung với họ nối lại ngón tay, nhưng sau đó ông quyết định bệnh nhân phải được phẫu thuật ở bệnh viện bên ngoài.

Vài giờ sau, Poynter quay trở lại và lén lút mang theo một túi dụng cụ do ban điều hành Biosphere 2 cung cấp, gồm máy tính và phim màu. Vài tháng sau, báo chí mới biết về màn “nhập lậu” này. Không chỉ thế, những người sống trong Biosphere 2 còn được cấp các món cần thiết khác, từ hạt giống đến vitamin, bẫy chuột và nhiều thứ khác hai lần mỗi tháng.

Tính cô lập của sinh quyển bị phá vỡ từng mảng, không còn giống với ý đồ “tự duy trì” ban đầu. Một cựu nhân viên của công trình tiết lộ là các kỹ sư đã lắp đặt một máy lọc carbon dioxide để điều chỉnh nhân tạo không khí trong sinh quyển thay vì để hệ thống tự điều chỉnh!

Chỉ sau một thời gian, vấn đề tự cung lương thực trong Biosphere 2 trở thành thách thức lớn. Thời tiết nhiều mây trong những tháng đầu tiên khiến mùa màng không phát triển được bình thường. Những người sống bên trong đã dùng hết số lương thực bí mật đưa vào đủ cho 3 tháng.

Tiếp theo, Biosphere 2 bắt đầu thiếu oxygen vì trong đất có quá nhiều vi khuẩn “ăn” oxygen. Họ cảm thấy như đang sống ở độ cao 4.200m và rất khó thở. Một xe tải đưa oxygen lỏng vào để “cứu” họ và Biosphere 2 nhanh chóng trở lại bình thường. Nhưng một vấn đề khác nảy sinh. Những con chim ruồi và ong mật chết dần khiến hoa màu không được thụ phấn. Những con giun và mối bắt đầu tấn công mùa màng. Đàn gián sinh sôi ngoài tầm kiểm soát.

Mười tháng sau, nhóm cố vấn dự án gồm các chuyên viên đưa ra một báo cáo chỉ trích các mục tiêu thử nghiệm ban đầu được đề ra một cách cẩu thả và “sự thiếu kinh nghiệm của các nhà khoa học đứng sau dự án”. Tình hình tệ hại đến nỗi hội đồng cố vấn quyết định từ nhiệm.

Ngay vào lúc khó khăn này, nhà ngân hàng Steve Bannon xuất hiện như một cứu tinh. Năm 1993, Bannon bắt đầu tự xem mình là một nhà yêu nước và cố vấn tương lai của Tổng thống. Lúc đó ông ta đang hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Beverly Hills, chuyên về các thỏa thuận sáp nhập.

Bass gọi điện cho Bannon để bàn về việc rót tiền cho Space Biosphere Ventures đang thua lỗ. Theo Bannon, riêng năm 1993, Biosphere 2 thâm hụt từ 16-20 triệu USD. Khi nhóm đầu tiên vào Biosphere 2 được ra ngoài, Bannon đòi Allen và ban lãnh đạo Space Biosphere Ventures phải ra đi.

Thú vật trong Biosphere

Tháng 4/1994, yêu cầu của ông ta được đáp ứng, không lâu sau khi nhóm thử nghiệm thứ 2 đi vào sinh quyển, tiếp tục sứ mệnh nhưng 5 tháng sau đã phải trở ra. Bannon hủy hợp đồng với Đại học Columbia, giao lại quyền điều hành Biosphere 2 cho trường này.

Giấc mơ xây dựng Biosphere trên sao Hỏa biến mất. Không còn ai tự cô lập mình để xem có thể tự tồn tại thế nào. Thay vào đó là các thử nghiệm qui mô nhỏ hơn, ít tham vọng hơn như ảnh hưởng của mức carbon dioxide cao đối với các rặng san hô. Columbia điều hành Biosphere 2 đến năm 2003 và Đại học Arizona thế chân sau đó.

Năm 2011, Bass chính thức tặng Biosphere 2 cho đại học này cùng với 20 triệu USD hỗ trợ nghiên cứu. Biosphere 2 vẫn đứng vững đến tận hôm nay nhưng không còn thấy những “bush baby” hay những người mặc đồ nhảy dù sống bên trong.

Nhiều nhà khoa học xem những mục tiêu ban đầu của Biosphere 2 là “thất bại lớn của khoa học”. Hệ thống không hề tự tạo ra không khí, nước uống được và thực phẩm cho những người sống bên trong, bất chấp khoản tiền khổng lồ 200 triệu USD bỏ ra” – nhà sinh thái Rebecca Stewart và các cộng sự nói.

Hai nhà khoa học Joel Cohen và David Tilman khẳng định: “Sinh quyển 2 không giúp người ta tìm ra cách thiết kế các hệ thống có thể cung cấp cho con người những thứ cần thiết để sống còn giống như thiên nhiên đã làm”.

Nếu có được bài học thì đó là cả 8 người đầu tiên sống ở trong không gian tù túng này đều khỏe mạnh. Nước uống chu chuyển thiếu nhưng không độc. Sau một năm, một số loài bị chết nhưng Biosphere 2 tiếp tục tồn tại đến hôm nay.

Theo The New York Times

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/sinh-quyen-2-uoc-mo-khong-thanh-hien-thuc-3998246-b.html