Sính ngoại hay hội nhập?

Những nghệ danh mà nghe qua người ta cứ ngỡ họ đến từ nước ngoài, những ca khúc lẫn lộn tiếng Tây lời ta từ nhan đề đến câu hát... khiến công chúng hoang mang tự hỏi: phải chăng đó là mốt thời thượng của nghệ sĩ trẻ bây giờ?

Dự các lễ trao giải âm nhạc, nghe qua tên nghệ sĩ được xướng lên trên thảm đỏ, nhiều người nhìn nhau tự hỏi không biết nghệ sĩ đó đến từ nước nào. Một loạt cái tên nghe rất quốc tế như: Min, Erik, Karik, Mr Siro, Mr A, Only C, Orange, Justa Tee, ST, Isaac, Will, Chi Pu, Rhymastic, Touliver, Mew Amazing ... dập dìu xuất hiện. Đến khi họ cất tiếng chào, khán giả mới ớ người vì hóa ra đó toàn là ca sĩ Việt Nam "chính hiệu con nai vàng".

Kiểu nghệ danh nửa Tây nửa ta như Noo Phước Thịnh, Lou Hoàng, Soobin Hoàng Sơn, Angela Phương Trinh, Hamlet Trương, Akira Phan hay sặc mùi kiếm hiệp như Thiên Trường, Địa Hải, Ưng Đại Vệ, Nhật Tinh Anh, Lâm Chấn Huy, Lâm Chí Khanh, Vĩnh Thuyên Kim một thời... có phần lép vế trước trào lưu "Tây toàn tập".

Có những ca sĩ lúc đầu mang nghệ danh thuần Việt nhưng về sau họ đổi sang tên Tây để cải vận. Đơn cử như cô bé Kim đọc rap hip hop nổi tiếng một thời giờ trở lại với hình ảnh sexy, bốc lửa với nghệ danh Kimese.

Erik thể hiện bài hát "Chạm đáy nỗi đau" lồng cả tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Việt.

Trước khi gắn bó với nghệ danh Orange, cô ca sĩ của MV "Người lạ ơi" vốn biết đến với tên thật Khương Hoàn Mỹ. Giải thích về lý do đổi nghệ danh, cô cho hay: "Khi tôi còn tham gia các cuộc thi, cũng có một bộ phận khán giả biết đến cái tên Khương Hoàn Mỹ. Tuy nhiên, cái tên này lại bị rơi vào thế khá là lưng chừng, khán giả chỉ biết đến tên chứ không nhớ cá tính âm nhạc của tôi ra sao. Chỉ đến khi đổi nghệ danh là Orange và thể hiện ca khúc "Người lạ ơi", khá nhiều người biết đến tôi và tôi cũng khẳng định được màu sắc riêng của mình".

Khách quan mà nói, sự nổi tiếng của Orange đến từ bài hát của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa hơn là cái tên thời thượng của cô. Nhưng có lẽ từ khi đổi nghệ danh, cô đã biết cách làm mới hình ảnh bằng vẻ ngoài phớt đời, thời trang nên được chú ý hơn là thời mới vô nghề. Ngay cả các nhóm nhạc Việt mới trình làng gần đây cũng toàn thích tên ngoại. Có thể kể đến như: Uni5, Monstar, Zero 9, Her, G.A.S, The Air, Lime, Lip B, The zoo...

Không chỉ nghệ danh, ngay cả ca khúc cũng không khác gì nồi lẩu thập cẩm với đủ loại ngôn ngữ. Bài nào cũng lồng ít nhất hai, ba câu ngoại quốc. Thường thấy nhất đó là tiếng Anh. Sau là đến tiếng Hàn (ví dụ như ca khúc "Chạm đáy nỗi đau" do Erik trình bày), tiếng Nhật, tiếng Thái... Ngay cả tên ca khúc cũng được thay dần bằng màu áo quốc tế. "Destiny", "Talk to me", "Cause I love you", "Pom", "Do you know", "Take it slow", "Love you want me", "Say you do"... là những ca khúc lời Việt pha tiếng Tây nhưng luôn khiến người ta lầm tưởng với một ca khúc ngoại quốc nào đó.

Đa phần các nghệ sĩ giải thích rằng, mình lấy nghệ danh nửa Tây nửa ta hoặc "Tây toàn tập" là vì giới trẻ bây giờ thích thế. Họ thích cái gì nghe Tây Tây một chút, cảm giác nó sang chảnh, thời thượng. Lý do thứ hai, cái tên xuất phát từ một kỷ niệm, một điều mà nghệ sĩ gắn bó hay yêu thích. Chẳng hạn Noo Phước Thịnh có ngày sinh gần ngày Noel nên bố mẹ hay gọi anh là No, nhưng vì trong tiếng Anh "No" có nghĩa là "Không" nên mọi người thêm chữ "o". Cái tên ấu thơ đã được anh gắn vào tên thật làm nên nghệ danh Noo Phước Thịnh. Phần nữa, vì cái tên thuần Việt dễ "đụng hàng" với nghệ sĩ khác nên họ chủ động hướng ngoại để tránh nhầm lẫn.

Có nghệ sĩ cho hay, sở dĩ họ chọn tên Tây vì đó là cái tên dễ gọi, dễ phát âm phần nữa dễ bề tiện tấn công thị trường quốc tế. Điều này có vẻ như khá vĩ mô và hơi bị nông cạn. Bởi cho đến thời điểm này, những nghệ sĩ đã mon men tấn công được thị trường quốc tế, bắt tay hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài phần nhiều vẫn là những cái tên rất thuần Việt: Mỹ Linh, Thanh Bùi, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm... Những nghệ sĩ xài tên Tây rất ít có dự án nào tầm cỡ với các đối tác ngoại quốc. Nếu có cũng chỉ là việc họ dự một vài giải thưởng mang tính chất mặt trận trong khu vực.

Ngay cả những giọng ca hàng đầu hiện nay cũng không có cái tên rặt mùi lai căng nào mà lại là Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Bích Phương...

Lớn lên và hoạt động âm nhạc ở nước ngoài một thời gian dài nhưng nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi vẫn giữ cái tên cha sinh mẹ đẻ làm nghệ danh. Anh tâm sự: "Tôi chỉ thay đổi thứ tự tên họ cho phù hợp với cách gọi của người nước ngoài, chứ không lai ghép nghệ danh nước ngoài vì luôn muốn xuất hiện với cái tên Việt của mình, để mọi người luôn biết rằng mình là người Việt".

Với các nhóm nhạc lấy tên Tây, sự nổi tiếng của họ khó sánh được đàn anh đàn chị mang cái tên thuần Việt như Mây trắng, Mắt ngọc, Mặt trời đỏ, Phù sa, Quả dưa hấu, Tích tắc, Tam ca Ba con mèo, Tam ca Áo trắng... cách đây 20 năm. Thế nên mới nói "chiếc áo không làm nên thầy tu". Quan trọng vẫn là nội lực của chính bản thân nghệ sĩ. Việc lạm dụng nghệ danh ngoại quốc lắm khi phản tác dụng vì nó quá nhiều và na ná nhau khiến khán giả lẫn giới bầu show không nhớ nổi hoặc phân biệt nghệ sĩ nào với nghệ sĩ nào.

Nổi tiếng với dòng hip hop, cô bé Kim thuở nào đổi nghệ danh thành Kimese khi xuất hiện trở lại với phong cách nổi loạn.

Trào lưu bài hát có lời nhạc nửa Tây nửa ta cũng bắt nguồn từ những nguyên do trên. Nếu họ chinh phục được lớp trẻ ưa tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Nhật... lạ hoắc vì tuổi mới lớn thích sự mới mẻ thì việc chinh phục đôi tai của bạn bè quốc tế quả là gian nan. Như ca sĩ Thu Minh từng thú thật: ông xã người phương Tây của chị khi nghe ca sĩ Việt hát lời tiếng Anh thì quát ầm lên "tôi đang nghe cái quái gì thế này?".

Việc phát âm không chuẩn cộng với kiểu "phiêu" quá đáng, các ca sĩ biến những lời hát tiếng Anh thành mớ tiếng của người sao Hỏa. Đặc biệt với khán giả trong nước, việc nghe ca khúc nửa nạc nửa mở kiểu này khiến họ chỉ thấy bài hát bị băm nát. Với người không rành tiếng nước ngoài, nội dung bài hát trở nên tối nghĩa và khó hiểu, gây ra sự khó chịu không nhỏ.

Ngay trong chương trình "Sing my song - Bài hát hay nhất" cũng xuất hiện vô số ca khúc lai căng kiểu đó. Là người cầm cân nảy mực, nhạc sĩ Lê Minh Sơn thẳng thắn cho rằng sáng tác bằng lời thuần Việt rất khó vì ngôn ngữ mẹ đẻ có thanh bằng trắc, người nhạc sĩ phải đủ trình mới có thể cho ra những giai điệu hay mà không bị cưỡng âm. Trong khi đó, tiếng Anh lại dễ viết nhạc vì nó không có thanh bằng thanh trắc như tiếng Việt. Nếu cứ bám vào những lời ca kiểu này thì chỉ chứng tỏ sự lười sáng tạo của nghệ sĩ.

Còn bảo nhìn sang nghệ sĩ Hàn Quốc thử xem, họ cũng có đầy bài hát pha tiếng Hàn và tiếng Anh đó thôi. So sánh thế thì nghệ sĩ Việt phải nhìn lại vị thế của mình trên bản đồ âm nhạc thế giới. Làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa) của Hàn Quốc vô cùng mạnh mẽ, và đi đầu trong làn sóng đó chính là âm nhạc. Nó phủ rộng Châu Á và tấn công dữ dội thị trường Âu - Mỹ dù vài năm trở lại đây làn sóng này có phần hạ nhiệt. Họ đầu tư công phu cho sản phẩm âm nhạc từ hình ảnh, vũ đạo đến bài hát. Nên việc lồng các câu từ tiếng Anh là một cách giúp khán giả quốc tế hiểu được phần nào nội dung bài hát.

Còn âm nhạc Việt Nam, nội chuyện vượt ao nhà vẫn là bài toán quá khó nên không thể có kiểu học đòi không đúng lúc. Âm nhạc đại chúng của chúng ta hầu như vẫn chưa có màu sắc riêng mà chỉ là kiểu bắt chước các nền âm nhạc lớn như K-pop (Hàn Quốc), C-pop (Trung Quốc), UK - US (Âu - Mỹ)... nên khó bước ra biển lớn. Bởi nếu điểm lại những sản phẩm âm nhạc và nghệ sĩ tạo được dấu ấn trên trường quốc tế, họ đều mang cái tên thuần Việt và nét riêng biệt độc đáo của quê nhà Việt Nam.
Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/sinh-ngoai-hay-hoi-nhap-505193/