Sinh mổ gây nguy cơ mắc bệnh tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý

Tiến hành thử nghiệm trên nhiều nhóm chuột sinh mổ và sinh tự nhiên, sinh đủ tháng và sinh non, các nhà khoa học Pháp khẳng định sinh mổ gây ra những thay đổi tinh tế trong não và về mặt hành vi, đặc biệt là trong trường hợp sinh non.

Khi qua kênh sinh mổ, thai nhi tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, hormone, thuốc và stress - bất kỳ yếu tố nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não - Ảnh: Quanta Magazine

Khi qua kênh sinh mổ, thai nhi tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, hormone, thuốc và stress - bất kỳ yếu tố nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não - Ảnh: Quanta Magazine

Theo Cerebral Corteх, các nhà khoa học Pháp khẳng định sinh mổ gây ra những thay đổi tinh tế trong não và về mặt hành vi, đặc biệt là trong trường hợp sinh non.

Các nghiên cứu cho thấy ở những con chuột được sinh mổ và nhất là sinh non, não đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các yếu tố môi trường. Các phát hiện sẽ giúp giải thích kết quả của các nghiên cứu dịch tễ học, cho thấy trẻ em sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Theo Diana Ferrari, một nhà nghiên cứu tại Neurochlore, một công ty công nghệ sinh học của Pháp, bất kỳ tác động tiêu cực nào khác xảy ra trong khi sinh đều có thể dẫn đến các vấn đề mà các nhà khoa học quan sát thấy trong các nghiên cứu dịch tễ học.

Trong một công trình được công bố năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng việc sinh mổ dường như không gây ra vấn đề lâu dài ở chuột về mặt hành vi xã hội hoặc các hành vi lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số khác biệt về bệnh lý thần kinh sớm ở chuột, bao gồm cả sự chậm phát triển tế bào thần kinh ở vùng hải mã.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những con chuột được sinh mổ, các tế bào thần kinh ở vùng hải mã ít hơn và mạng thần kinh ít phức tạp hơn so với những con chuột được sinh tự nhiên. Những khác biệt này đặc biệt rõ rệt ở những con chuột sinh non.

Đáng chú ý là sự khác biệt nhanh chóng được san bằng: vào ngày hôm sau khi ra đời, tế bào thần kinh của chuột sơ sinh ở hai nhóm thực sự hầu như ngang nhau.Tuy nhiên, ở những con chuột sinh non có sử dụng phương pháp mổ lấy thai, có sự khác biệt trong giao tiếp. Khi các nhà nghiên cứu tách những con chuột 9 ngày tuổi khỏi mẹ của chúng, những con chuột sinh mổ phát ra nhiều tín hiệu gọi mẹ hơn những con chuột đủ tháng được sinh ra theo cả cách mổ lấy thai lẫn sinh tự nhiên.

Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích thêm một nhóm chuột khác, đó là những con chuột sinh non tự nhiên. Chúng không gặp vấn đề giao tiếp, điều này cho thấy sự kết hợp yếu tố sinh non và sinh mổ, dẫn đến những thay đổi trong hành vi.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tất cả những con chuột sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai có bộ não nhỏ hơn so với những con đủ tháng và sinh tự nhiên. Ngoài ra, một số khu vực của não là nhỏ bất thường ở những con chuột sinh mổ thiếu tháng.

Hiện các nhà nghiên cứu chưa biết rõ lý do tại sao lại có những khác biệt này. Chỉ biết rằng sinh nở là một quá trình rất phức tạp và một quá trình đa yếu tố và khi qua kênh sinh mổ, thai nhi tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, hormone, thuốc và stress - bất kỳ yếu tố nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cau-chuyen-kham-pha-c-106/sinh-mo-gay-nguy-co-mac-benh-tu-ky-va-roi-loan-tang-dong-giam-chu-y-124577.html