Sinh kế 'thuận thiên' cho người miền Tây

Sản xuất vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa giúp cho người dân có một sinh kế bền vững là điều mà nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang hướng đến.

Chỉ tay vào những vườn dừa sáp 4 năm tuổi, anh Đặng Minh Bé (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) nói rằng mỗi cây trung bình cho thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Vườn dừa sáp được nhân giống theo phương pháp nuôi cấy phôi của anh có thể cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm, gấp 5 lần giống dừa sáp truyền thống.

Điều đặc biệt là giống dừa sáp này có thể thích ứng với hạn mặn của vùng Cầu Kè. Theo nghiên cứu, giống dừa này có thể thích ứng độ mặn 12-15‰. Thậm chí cây được trồng ở độ mặn trên sẽ sinh trưởng tốt hơn bình thường.

Dừa sáp đang nổi lên là một loại cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt ở Đồng bằng sông Cửu Long, lại vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Việc tìm ra những cây trồng, vậy nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa tạo “sinh kế” tốt cho người dân đang là hướng đi mà nhiều tỉnh miền Tây tìm kiếm.

Sản xuất thuận thiên

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị bàn giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Miền Tây có vị trí và vai trò chiến lược quan trọng, chiếm 12% diện tích cả nước, 19% dân số, 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây…

World Bank đánh giá khu vực này chiếm 2% sản lượng gạo thương mại toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức rất lớn, ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, cát, tài nguyên... bất hợp lý, thiếu bền vững cả trong nước và thượng nguồn sông Mekong.

 Sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những nguy cơ, thách thức rất lớn, ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Ngôn.

Sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những nguy cơ, thách thức rất lớn, ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bởi vậy, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong nghị quyết, người dân và cơ quan chức năng đã xác định việc sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng. Do đó, “sinh kế” cũng được xác định lại theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thuận thiên", "không hối tiếc" cũng là những nguyên tắc trong xây dựng quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, chuẩn bị trình Chính phủ.

Theo đó, các đơn vị tư vấn đang đề xuất giảm trồng lúa, cơ cấu lại sản xuất dựa vào chia vùng nước. Mục tiêu quy hoạch là sớm đưa đồng bằng sông Cửu Long thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, người dân có được sự hạnh phúc.

Những thay đổi theo hướng “thuận thiên”

Về nông nghiệp, quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm diện tích trồng lúa xuống. Khu vực này hiện sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa, và dự kiến giảm xuống khoảng 16 triệu tấn vào năm 2050, trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.

Sản xuất lúa gạo vẫn sẽ được chú trọng, cùng với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong các khu vực canh tác nhỏ hơn ở phía tây bắc của vùng có thể đảm bảo nước ngọt quanh năm. Điều này sẽ cho phép nhiều nông dân trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như trái cây và rau. Ngoài ra, người dân có thể hưởng lợi từ việc mở rộng diện tích được sử dụng để nuôi trồng thủy sản.

Theo thời gian, tổng diện tích được giao cho lúa trong toàn vùng sẽ giảm từ 2,3 xuống 1,4 triệu ha. Thay đổi cây trồng và chế biến liên quan sẽ tăng thu nhập ước tính 11,4 tỷ USD/năm vào năm 2030 và 21,1 tỷ USD/năm vào năm 2050.

Sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng thay đổi theo hướng "thuận thiên". Ảnh: Phạm Ngôn.

Trong quy hoạch nông nghiệp cũng sẽ phân ra làm 3 vùng nước mặn, nước ngọt và nước lợ. Từ đó sẽ có giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp cho từng khu vực.

Khu vực nước ngọt gồm Đồng Tháp Mười (một phần Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang), khu vực nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tại Vĩnh Long, Cần Thơ; Tứ Giác Long Xuyên; bắc bán đảo Cà Mau; tây sông Hậu. Tại đây sẽ giảm lúa vụ 3, phát triển sinh kế dựa vào lũ, thậm chí là xả lũ vào ruộng, không phát triển thành vùng trữ nước quanh năm. Khu vực này cũng có thể chuyển đổi diện tích lúa sang hoa màu, nuôi trồng thủy sản.

Khu vực nước lợ gồm vùng tiếp giáp bán đảo Cà Mau, vùng chuyển tiếp Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, Bến Tre, Long An. Khu vực này sẽ phát triển đan xen lúa, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái một cách bền vững.

Khu vực nước mặn là Nam bán đảo Cà Mau, ven biển Đông, ven biển Tây. Khu vực này cấm khai thác nước ngầm vùng ven biển để không bị sụt lún đất, nuôi trồng thủy sản đa canh bền vững, có thể làm đê chắn sóng, phát triển hệ thống tuần hoàn nước, cấp thoát tách rời.

“Sinh kế mới”

Những năm gần đây, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày càng có nhiều mô hình hay, loại cây trồng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế.

GS Võ Tòng Xuân (Đại học Nam Cần Thơ) đề xuất có thể nghiên cứu nhân rộng cây bo bo, một loại cây mới có thể trồng quanh năm để lấy sinh khối. Cây này sẽ giúp có nguyên liệu làm điện sinh khối, có thể thu hoạch 3 vụ mỗi năm. Đây là loại cây chịu hạn, chịu úng rất tốt, năng suất cao, cho bông, hạt nhiều, có cây có bông nặng hơn 300 g.

Bo bo là một trong nhóm bốn cây lương thực chính trên thế giới, có sinh khối lớn, tạo ra nguồn thức ăn lớn, tăng trưởng rất nhanh. Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi mà ngành nông nghiệp, chăn nuôi vẫn đang đóng vai trò quan trọng. Nhu cầu thức ăn cho gia cầm, gia súc trong vài năm tới là rất lớn. Do đó, cây bo bo sẽ đáp ứng nhu cầu cho hiện tại và cả tương lai, dần dần thay thế những loại cây làm thức ăn phổ biến như ngô.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá triển vọng của cây bo bo, có thể tạo sinh kế tốt cho người dân.

Anh Đặng Minh Bé (Trà Vinh), chủ một mô hình trồng dừa sáp chống chịu mặn, thích ứng biến đổi khí hậu nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HC.

Trồng dừa sáp theo mô hình của anh Đặng Minh Bé cũng đang là một điểm sáng bởi khả năng chống chịu mặn khá tốt. Năm 2020, chỉ riêng huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã có khoảng 75.000 cây dừa sáp, sản lượng 262.000 trái, mang lại thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/cây/năm. Trồng dừa sáp đang là hướng đi giúp nhiều nông dân ở Bến Tre thoát nghèo.

Tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, mô hình nuôi vịt biển đang được đánh giá cao bởi phù hợp với khu vực ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn. Vịt nuôi 55-60 ngày đã cho trọng lượng 2,5-2,6 kg. Nuôi 5-6 tháng sẽ có thể đẻ trứng với năng suất 240-245 quả/con/năm.

Ông Phạm Kim Thành, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Bến Tre) đánh giá cao mô hình này và cho rằng người dân hoàn toàn có thể thay đổi sinh kế, thích ứng với môi trường và biến đổi khí hậu, vươn lên làm giàu.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sinh-ke-thuan-thien-cho-nguoi-mien-tay-post1200384.html