Sinh kế cho người cao tuổi: Làm sao để hiệu quả?

Là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Không chỉ là vấn đề chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội... mà còn phải có những chính sách để hỗ trợ người cao tuổi (NCT) sinh kế, tạo môi trường thuận lợi để NCT tiếp tục được đóng góp, cống hiến cho xã hội.

GS, TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh: NCT rất cần được tạo môi trường thuận lợi để tiếp tục đóng góp cho xã hội. Họ là nguồn lực quan trọng của xã hội vì có kiến thức, kinh nghiệm. Có rất nhiều NCT là những chuyên gia, người lao động trình độ cao của các ngành, lĩnh vực, có sức khỏe, có nguyện vọng tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội. Họ không muốn nghỉ ngơi thụ động, phụ thuộc vào con cái mà muốn có cuộc sống chủ động, tích cực, tham gia công việc gia đình, xã hội. Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, do đó, cần thay đổi quan niệm, cách tiếp cận, cách nhìn đối với vấn đề NCT. Mặc dù vậy, trong xã hội Việt Nam vẫn luôn tồn tại quan niệm cho rằng “ốm tha già thải”. Tức là NCT là những người đã hết độ tuổi lao động nên cần phải nhường lại thị trường lao động cho những người trẻ hơn, đang trong độ tuổi lao động. Sau khi nghỉ hưu, NCT nên nghỉ ngơi và dành thời gian cho con cháu. Chính vì thế, khi những người già tham gia lao động sẽ bị cho là do con cháu không chăm sóc hoặc bị ép phải làm việc kiếm tiền cho gia đình.

 Bác sĩ là người cao tuổi tham gia khám, chữa bệnh cho người cao tuổi. Ảnh: QUANG MINH

Bác sĩ là người cao tuổi tham gia khám, chữa bệnh cho người cao tuổi. Ảnh: QUANG MINH

Tại Hội thảo “Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT” do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức, ông Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nhấn mạnh, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho NCT, đặc biệt khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid-19 được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Có thể thấy, chính những quan niệm của người dân và xã hội là thách thức trong tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho NCT hiện nay. Để phát huy vai trò của NCT, nhất là đối với một bộ phận NCT vẫn còn sức khỏe, có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, tay nghề trong việc tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân, tham gia nhiều hơn nữa cho các hoạt động vì cộng đồng... thì công tác tuyên truyền luôn phải đi trước, có trọng tâm, trọng điểm.

Rõ ràng, chúng ta không thể coi NCT chỉ là đối tượng thăm, tặng quà vì họ là những người "già" hoặc "nghèo". Thực tế có rất nhiều NCT còn sức khỏe, muốn tiếp tục cống hiến, được tạo điều kiện, nhất là tuổi từ 60 đến 75. Vì vậy, cần có chính sách, cơ chế để NCT được làm việc, cống hiến cho sự phát triển xã hội. Họ rất cần sự ủng hộ của gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của Nhà nước. Theo báo cáo chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội, kết quả nghiên cứu về thực trạng tham gia hoạt động kinh tế của NCT từ tháng 6 đến tháng 8-2020 tại 3 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Dương cho thấy, 40-45% NCT tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những NCT tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3-4% là chủ doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi... đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Còn tại huyện Thanh Miện (Hải Dương), có hơn 22.500 NCT/136.000 tổng dân số toàn huyện, chiếm khoảng 16%; trong đó, 40-50% NCT vẫn tham gia hoạt động kinh tế và có tới 1/2 vẫn là chủ kinh tế hộ (chủ yếu là độ tuổi 60-69); 230 NCT là chủ các trang trại, thu hút nhiều lao động.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Kim Hoa (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), bảo đảm sinh kế cho NCT đang là vấn đề dành được nhiều quan tâm của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hướng tiếp cận sinh kế bền vững là cách để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đang được nhiều quốc gia và tổ chức áp dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế đang nỗ lực trong bảo đảm sinh kế cho người dân, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội thì tạo sinh kế, nâng cao thu nhập đối với NCT hiện là vấn đề cấp bách cần được quan tâm. Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập bền vững đối với NCT cũng góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng sống cho NCT hiện nay. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc nhận NCT vào làm việc được coi là trách nhiệm xã hội và cấm mọi sự phân biệt, định kiến với NCT về khả năng lao động của họ.

PGS, TS Nguyễn Thị Kim Hoa chia sẻ thêm, tại Việt Nam, khả năng bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và trợ cấp hưu trí cho NCT đang là thách thức lớn. Do đó, việc sử dụng lao động cao tuổi là rất cần thiết. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, lực lượng lao động cao tuổi đang tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/sinh-ke-cho-nguoi-cao-tuoi-lam-sao-de-hieu-qua-644914