Sinh con đứa mất khi vừa chào đời, đứa bại não, mẹ bất ngờ khi biết lý do

Hai lần liên tiếp, chỉ sau sinh khoảng 2-3 ngày, các con của chị Nga đều xuất hiện tình trạng vàng da, bỏ bú, mắt trợn ngược…

Năm 2004, khi con trai đầu tròn 2 tuổi, chị Vũ Thị Nga (37 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) mang thai bé thứ hai, sinh con ở trạm y tế xã.

Chào đời tròn 3 ngày, em bé xuất hiện tình trạng vàng da, bỏ bú, mắt trợn ngược. Chị Nga vội đưa con lên bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, rồi Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Trên đường tới cơ sở y tế tuyến cuối, em bé qua đời.

Năm 2005, chị Nga mang thai lần ba. Em bé sinh ra có biểu hiện tương tự người anh trước, cùng bị vàng da, bỏ bú sau sinh. Lần này, khi đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ hội cấp cứu vẫn còn.

Tuy nhiên, em bé lại có di chứng là bại não. 15 năm nay, cháu chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.

“Tôi rất đau đớn, không hiểu nguyên nhân vì sao. Người trong làng đồn rằng có thể do bố tôi đi bộ đội nên thế hệ các cháu bị nhiễm chất độc da cam”, chị tâm sự.

Chị Vũ Thị Nga - Ảnh: N.Liên

Chị Vũ Thị Nga - Ảnh: N.Liên

Nỗi sợ hãi đeo bám vợ chồng chị Nga suốt nhiều năm về sau. Tới năm 2018, chị Nga mang thai lần bốn. Quyết tâm giữ con, khi thai 12 tuần, chị tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để xin tư vấn thai kỳ.

Lúc này, sản phụ mới biết mình mang nhóm máu hiếm B Rh(D) âm.

Các bác sĩ cho hay, bất đồng nhóm máu mẹ con, khi chị Nga mang nhóm máu Rh(D) âm, còn chồng, con mang nhóm máu Rh(D) dương chính là nguyên nhân gây nên tình trạng của các em bé ở lần mang thai thứ hai, thứ ba.

Ngay lập tức, chị được giới thiệu sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để làm xét nghiệm và tư vấn.

ThS. BS. Hoàng Thị Thanh Nga, Phó trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thông tin, cơ chế gây nên tình trạng bất đồng nhóm máu mẹ con là mẹ và con có bất đồng kháng nguyên hồng cầu, tức trên bề mặt hồng cầu người mẹ vắng mặt kháng nguyên nhóm máu mà trên bề mặt hồng cầu người con có.

Nếu hồng cầu của con lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ (thông qua chuyển dạ đẻ, các sang chấn sản khoa hoặc các thủ thuật làm lưu thông máu mẹ và con như chọc ối, sinh thiết gai rau …), cơ thể mẹ sẽ nhận kháng nguyên hồng cầu của con là "lạ" và sinh ra kháng thể miễn dịch, chống lại kháng nguyên hồng cầu của con.

Kháng thể miễn dịch này dễ dàng đi qua hàng rào rau thai vào cơ thể con, gắn lên bề mặt hồng cầu của trẻ và gây vỡ. Bất đồng nhóm máu mẹ con thể nặng sẽ dẫn đến tình trạng thai lưu, phù thai. Ở thể nhẹ, trẻ thường bị bệnh vàng da, tan huyết sau sinh.

Bác sĩ Nga nhấn mạnh, trường hợp trẻ sơ sinh vàng da, tan huyết do bất đồng nhóm máu mẹ con, nếu không được điều trị kịp thời, sản phẩm phá hủy của hemoglobin là billirubin tăng cao quá mức cho phép trong máu sẽ tích tụ trong tổ chức thần kinh giàu lipid. Điều này gây ra tình trạng chậm phát triển trí tuệ hoặc tử vong ở trẻ.

Thông thường, em bé ở lần mang thai đầu tiên ít có nguy cơ bị bệnh vàng da tan huyết do bất đồng nhóm máu mẹ con so với em bé ở những lần mang thai tiếp theo.

Trẻ sơ sinh bị vàng da - Hình minh họa

Nữ bác sĩ cho hay, trường hợp sản phụ Vũ Thị Nga là ví dụ rất điển hình của bất đồng nhóm máu mẹ con hệ nhóm máu Rh.

“Thật đáng tiếc khi ba lần mang thai đầu tiên, sản phụ không được làm xét nghiệm nhóm máu để phát hiện nhóm máu hiếm, từ đó có biện pháp dự phòng kịp thời”, bác sĩ Nga nói.

Theo đó, nếu sản phụ được quản lý thai kỳ sớm ở những cơ sở y tế tuyến cao hơn và được can thiệp kịp thời sau sinh, các em bé trước có thể tránh được hậu quả đáng tiếc.

Với trường hợp em bé ở lần mang thai thứ tư, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành xét nghiệm và liên tục làm hiệu giá kháng thể miễn dịch chống D để theo dõi, quản lý thai phụ.

Trong những lần đánh giá đầu (từ tuần thai 20 đến tuần thai 32), chỉ số này luôn ổn định ở mức 32. Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 35, con số tăng vọt lên 128, ngưỡng có nguy cơ phá hủy các tế bào hồng cầu của con.

Ngay lập tức, các bác sĩ liên hệ ngược lại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đánh giá tình trạng phát triển thai nhi. Đúng ngày 23/3/2019, khi có dấu hiệu suy thai, sản phụ Nga được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ lấy thai.

Bé trai 2,8kg chào đời, dù vẫn bị vàng da, nhưng do được quản lý từ tuần thứ 12 thai kỳ nên không để lại hậu quả. Ngay sau sinh, bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương, điều trị chiếu đèn, dùng IVIG (thuốc gây miễn dịch thụ động), không phải thay máu. Sau 3 ngày, em bé khỏe mạnh ra viện.

Đến nay, cậu bé đã được gần 2 tuổi, rất thông minh, nhanh nhẹn và đáng yêu.

ThS. BS. Hoàng Thị Thanh Nga khuyến cáo, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp cứu sống và không để lại di chứng cho trẻ trong trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con.

Bởi vậy, người dân nên sớm làm xét nghiệm xác định nhóm máu. Nếu thuộc nhóm máu hiếm, nên tới bệnh viện tuyến cao quản lý thai kỳ, xin tư vấn để có những dự phòng phù hợp.

Nguyễn Liên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/sinh-con-dua-mat-khi-vua-chao-doi-dua-bai-nao-me-bat-ngo-khi-biet-ly-do-703490.html