Singapore và một tương lai dưới lòng đất

Singapore đã miệt mài cải tạo đất suốt hàng chục năm qua, nhưng biện pháp này ngày càng không bền vững do mực nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lòng đất trở thành một giải pháp khả thi.

Một công trình giao thông trong lòng đất của Singapore. Ảnh: Todayonline

Singapore nổi tiếng với nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn, những khu vườn “siêu cây” nhân tạo khổng lồ cho đến trường đua đêm Formula 1 (công thức 1). Không gian dưới lòng đất hiện giờ chưa phải là một điểm nhấn trong số đó, nhưng có thể sẽ sớm trở thành một dấu ấn của “đảo quốc Sư tử”, khi mà nước này đang chuẩn bị công bố Kế hoạch Tổng thể Dưới lòng đất (Underground Master Plan) vào năm 2019.

Từ những hầm mộ ở thành Rome cổ cho đến công trình giếng bậc thang ở Ấn Độ thời trung cổ và các hầm trú ẩn hay kho nhiên liệu trong Chiến tranh Thế giới II, không gian dưới lòng đất đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Helsinki và Montreal được xem là những nhà tiên phong trong quy hoạch đô thị ngầm, một bước đi tập trung vào những cách thức sáng tạo và đổi mới để tận dụng các không gian dưới lòng đất. Singapore không chỉ dịch chuyển nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng xuống dưới lòng đất, như các đường tàu điện, hệ thống bán lẻ, đường dành cho người đi bộ mà còn cất giữ nhiên liệu và đạn dược trong lòng đất. Và giờ đây, đảo quốc này còn muốn tiến xa hơn nữa.

Với khoảng 5,6 triệu người chia sẻ khoảng diện tích chỉ bằng 3/5 thành phố New York và dân số Singapore được dự đoán sẽ tăng lên 6,9 triệu người vào năm 2030, đảo quốc này sẽ hết không gian một cách nhanh chóng. Singapore đã miệt mài cải tạo đất suốt hàng chục năm qua, nhưng biện pháp này ngày càng không bền vững do mực nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lòng đất trở thành một giải pháp khả thi. Nổi bật trong Kế hoạch Tổng thể Dưới lòng đất của Singapore là những khu vực thử nghiệm, với những ý tưởng như các trung tâm dữ liệu, bãi đỗ xe buýt, hệ thống nước thải, nhà kho và các bể chứa nước, nhưng kế hoạch này không hề bao gồm ý tưởng đưa nhà ở và văn phòng xuống lòng đất.

Bên cạnh tình trạng thiếu hụt không gian sống, một động lực thôi thúc Singapore tận dụng không gian dưới lòng đất là thời tiết. Các công trình hạ tầng công cộng sẽ dễ bị hao mòn dưới điều kiện khí hậu ngày càng nóng, ẩm và nhiều mưa của Singapore. Vì vậy đưa chúng xuống lòng đất là một phương án khả thi. Tuy nhiên, việc xây dựng dưới lòng đất thường tốn kém và phức tạp hơn so với trên mặt đất, nên Singapore sẽ chỉ triển khai kế hoạch này ở những nơi khả thi và cần thiết.

Trong nhiều trường hợp, việc xây dựng các công trình dưới lòng đất là thực sự cần thiết khi xét đến những lợi ích nó mang lại như tiết kiệm đất đai, cải thiện chất lượng môi trường và tính kết nối. Các hệ thống tàu điện ngầm MRT và đường cao tốc ngầm ở khu vực thành phố là những minh chứng cho thấy lợi ích mà các công trình dưới lòng đất này mang lại còn lớn hơn cả những chi phí xây dựng và các thách thức về mặt kỹ thuật. Lưu trữ nhiên liệu trong các hang đá có thể giải phóng hơn 60 ha diện tích, tương đương 84 sân bóng. Bên cạnh đó, các bể chứa nước của Singapore chiếm khoảng 5% diện tích đất của thành phố này nên chuyển chúng xuống lòng đất sẽ giúp giải phóng thêm không gian.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ sinh sống ở các thành phố. Ở các nước đang phát triển, nơi tiến trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ hơn cả, điều này sẽ gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và các nguồn tài nguyên. Trong lúc dân số già hóa ở các nước giàu hơn cũng sẽ tạo ra những nhu cầu khác về cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị.

Trong bối cảnh đó, “làm chủ” lòng đất dường như là một trong những giải pháp cho công tác quy hoạch đô thị hiện đại. Thế nhưng, vì vấn đề chi phí và những thách thức về mặt kỹ thuật, giới chuyên gia cho rằng đưa cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng khác xuống lòng đất thường được xem là “nước cờ” cuối cùng khi không gian trên mặt đất đã cạn và không còn giải pháp nào khác.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/singapore-va-mot-tuong-lai-duoi-long-dat-20181231105011385.htm