Singapore trước bước ngoặt chuyển giao

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn hoành hành, Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức bầu cử. Cuộc bầu cử có thể mang đến nhiều thay đổi bước ngoặt cho chính trường Singapore.

Thách thức trước khoảnh khắc giao thời

Ngày 10-7, 2,7 triệu cử tri Singapore sẽ đi bầu cử để lựa chọn tân Thủ tướng cho quốc đảo này. Cuộc bầu cử tại Singapore diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt khi dịch Covid-19 khiến quốc gia này phải lao đao về nhiều mặt.

Có thể thấy rõ một số thách thức nhãn tiền của cuộc bầu cử trong bối cảnh đặc biệt này. Trước hết, Singapore chưa kiểm soát được hoàn toàn đại dịch Covid-19. Từ đầu dịch, Singapore đã có hơn 45 nghìn người mắc Covid-19, trong đó phần lớn là lao động nhập cư. Bên cạnh đó, nội bộ đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ.

17 đại biểu quốc hội của PAP, trong đó có cựu Thủ tướng Goh Chok Tong, sẽ không ứng cử nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, đây có thể là lần cuối Thủ tướng Lý Hiển Long tranh cử. Ông từng tuyên bố một khi tìm được người kế nhiệm, ông sẵn sàng rời chính trường sau cuộc bầu cử sắp tới, trước khi ông 70 tuổi.

Do vậy, ngay cả khi chiến thắng, ông Lý Hiển Long có thể sớm tiến hành chuyển giao quyền lực. Ngày 7-7, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định sẽ tiếp tục cùng nội các bàn giao lại một Singapore “bình an và hoạt động hiệu quả” cho những người mới. Người mới đó có thể là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt.

Ông Vương Thụy Kiệt cùng một số các quan chức nội các khác, thường được gọi là thế hệ lãnh đạo 4G, đã đi đầu trong hoạch định và lên kế hoạch triển khai chống đại dịch Covid-19. Những nhân vật này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt PAP trong cuộc bầu cử tới.

Ngoài ra, thách thức lớn nhất mà PAP phải đối mặt lại đến từ chính em trai Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Lý Hiển Dương. Việc ông Lý Hiển Dương ủng hộ đảng đối lập Singapore Tiến bộ (PSP) do cựu nghị sỹ Tan Cheng Bock lãnh đạo, thay vì sát cánh cùng chính đảng của cha và anh trai có thể tác động đáng kể tới cuộc bầu cử sắp tới.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu, vận động tranh cử trực tuyến tại khu vực Fullerton ngày 6-7.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu, vận động tranh cử trực tuyến tại khu vực Fullerton ngày 6-7.

Trong khi đó, các đảng đối lập, trong đó đáng chú ý là 3 đảng tranh cử nhiều ghế gồm đảng Công nhân (WP), đảng Singapore Tiến bộ (PSP) và đảng Dân chủ Singapore (SDP) cũng hoạt động tích cực. Các đảng đối lập tập trung xoáy sâu vào những vấn đề còn tồn đọng trong đời sống xã hội như giá cả leo thang, khoảng cách giàu nghèo, hiện tượng phân biệt đối xử trong xã hội hay sai lầm trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các khu lao động nước ngoài của chính quyền hiện nay.

Trước chiến dịch tranh cử, kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Nghiên cứu chính sách, Đại học Quốc gia Singapore phối hợp với Công ty Blackbox Research thực hiện đầu tháng 4-2020 cho thấy có tới 53% cử tri đang phân vân và 47% đã chắc chắn lựa chọn đảng mình ủng hộ. Tỷ lệ cử tri chưa đưa ra được quyết định nói trên cao hơn mức 43% của năm 2015.

Trong khi đó, trong số những người đã có quyết định bỏ phiếu, chỉ 33% cho biết họ chắc chắn ủng hộ đảng PAP cầm quyền, 33% vẫn còn dao động nhưng nghiêng về đảng PAP, 20% lưỡng lự và nghiêng về đảng đối lập, 14% khẳng định chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho đảng đối lập.

Nguyện vọng của người dân là gì?

Đối với nhiều người dân Singapore, một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử vào ngày 10-7 tới là triển vọng việc làm và liệu hòn đảo nhỏ bé giàu có này có cần quá nhiều người nước ngoài nhận những vị trí được trả lương tốt hơn hay không.

Không ai trông đợi một sự thay đổi chính phủ ở quốc đảo Đông Nam Á vốn rất ổn định này. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã lên nắm quyền kể từ khi giành độc lập năm 1965 và luôn điều hành chính phủ với một đa số áp đảo trong quốc hội, ngay cả khi số phiếu bầu của họ giảm.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này sẽ là một phép thử về niềm tin của dân chúng vào cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh của chính phủ, cũng như thế hệ lãnh đạo kế tiếp khi Thủ tướng Lý Hiển Long - con trai của nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu – có kế hoạch từ nhiệm trong vài năm tới.

Ngay cả những thay đổi nhỏ trong việc ủng hộ đảng PAP có thể thúc đẩy những thay đổi chính sách, và cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khơi dậy một cuộc tranh luận tầm cỡ quốc gia về việc chia sẻ sự thịnh vượng của quốc đảo này với những người nước ngoài.

Giới phân tích cho rằng việc phe đối lập tỏ ra rất không hài lòng về việc những người nước ngoài nắm giữ các vị trí chủ chốt đã tác động mạnh đến cử tri. Và một loạt báo cáo về việc người nước ngoài phá vỡ các quy định phong tỏa và giấy phép lao động của họ bị thu hồi đã gây ra sự phẫn nộ. Nicholas Fang, nhà sáng lập Công ty tư vấn Black Dot Research ở Singapore cho rằng, Covid-19 đã khiến vấn đề của người nước ngoài thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Giáo sư Eugene Tan của Đại học quản lý Singapore (SMU) và là cựu thành viên quốc hội cho rằng hình ảnh người nước ngoài được trả lương cao đã trở thành một "vấn đề nhạy cảm" trong tranh luận chính trị ở nước này. Ông nói: “Đây là một vấn đề nhức nhối. Câu hỏi đặt ra là liệu cử tri có thể cân bằng điều đó... với một cuộc kiểm tra hợp lý, khách quan về việc liệu chúng ta có thể làm việc mà không cần nhân lực nước ngoài hay không".

8/10 đảng phái đối lập trong các tuyên bố của họ đã nhất trí cải cách chính sách tuyển dụng để ủng hộ thuê lao động địa phương. Tuy nhiên, các nhóm doanh nghiệp lo ngại việc kiểm soát tuyển dụng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng ở một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Latha Olavatth, Giám đốc cấp cao châu Á - Thái Bình Dương thuộc Công ty dịch vụ di trú toàn cầu Newland Chase, nói: "Không có người nước ngoài, các tập đoàn lớn có thể không nhất thiết phải hoạt động và đầu tư tại Singapore như họ vẫn thường làm".

Theo các số liệu thống kê dân số, khoảng 29% trong số 5,7 triệu người Singapore không phải là công dân. Con số này đã tăng đều đặn từ khoảng 10% từ năm 1990. Hầu hết người nước ngoài là những người giúp việc gia đình được trả lương thấp hoặc lao động chân tay, song chính số lượng các vị trí trong cái gọi là chuyên gia, quản lý, giám đốc điều hành và kỹ thuật (PMET) mới gây khó chịu cho người Singapore.

Hà Phương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/singapore-truoc-buoc-ngoat-chuyen-giao-603023/