Singapore trong thời điểm đầy thách thức trên mặt trận việc làm

Chính phủ Singapore đã đưa ra đề xuất mang tính xây dựng, khuyến khích các chủ sử dụng lao động nên linh hoạt trong việc tìm kiếm ứng viên cho những việc làm sẵn có.

Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết trên tờ The Straits Times (Singapore) nhận định, báo cáo tình hình việc làm của Singapore mới được Bộ Nhân lực nước này công bố cho thấy tình trạng thất nghiệp ở “đảo quốc sư tử” đang ở mức tồi tệ nhất trong hơn một thập niên. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tia hy vọng về sự hồi phục của thị trường lao động Singapore trong thời gian tới.

Tỷ lệ thất nghiệp của Singapore trong tháng Tám vừa qua tăng lên 4,5%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tháng Bảy và là mức cao nhất kể từ khi con số này đạt đỉnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 9/2009. Một số chuyên gia kinh tế tin rằng tình trạng thất nghiệp tồi tệ này vẫn chưa qua đi và không thể sớm đảo ngược.

Tuy nhiên, có nhiều cơ hội để tạo thêm việc làm trong quý IV/2020, đặc biệt sau khi Chính phủ Singapore đang và sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 và “đảo quốc sư tử” chuyển sang giai đoạn ba mở cửa nền kinh tế.

Điều này đặc biệt đem lại lợi ích cho lĩnh vực dịch vụ vốn nằm trong số những ngành chịu tác động tồi tệ nhất của nền kinh tế Singapore. Các khoản trợ cấp lương theo Sáng kiến tăng trưởng việc làm, được khởi động vào tháng Chín, cũng sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo thêm công ăn việc làm, một trong những thách thức lớn mà Singapore phải đối mặt trong ngắn hạn là việc đào tạo lao động cho phù hợp với việc làm mới.

Theo báo cáo của Bộ Nhân lực Singapore, đến cuối tháng Tám, khoảng 117.000 cơ hội việc làm mới đã được tạo ra theo Gói việc làm và đào tạo kỹ năng đoàn kết Singapore (vượt quá mục tiêu là 100.000 việc làm).

Tuy nhiên, chỉ hơn 33.000 vị trí việc làm thực sự tuyển dụng được lao động, trong khi hơn 2/3 vị trí việc làm mới vẫn để trống. Việc đào tạo lao động đáp ứng được yêu cầu công việc chưa bao giờ dễ dàng. Phạm vi việc làm được tạo ra dù với sự trợ cấp của chính phủ hay không thường là trong các lĩnh vực kinh tế như công nghệ, tài chính, y tế, khác với những việc làm đã bị mất, như hàng không, giải trí và du lịch khách sạn.

Chính phủ Singapore đã đưa ra đề xuất mang tính xây dựng rằng các chủ sử dụng lao động nên linh hoạt và hướng tìm kiếm ra ngoài các ứng viên có kiến thức và kỹ năng phù hợp hoàn toàn với những việc làm sẵn có.

Tuy nhiên, nhiều chủ sử dụng lao động đều bắt đầu bằng việc tìm kiếm các ứng viên có bằng cấp và kinh nghiệm sát với việc làm mà họ cần tuyển dụng. Chỉ sau khi họ không tìm được những ứng viên như vậy, họ mới tuyển các đối tượng khác và có thể cần nhiều công tác đào tạo hơn đối với các ứng viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc cần tuyển.

Tương tự, những người tìm việc sẽ tìm kiếm các vị trí việc làm mà họ cảm thấy có đủ năng lực nhất. Chuyển sang các lĩnh vực khác sẽ là sự lựa chọn thứ hai. Các dịch vụ tư vấn và đào tạo nghề nghiệp có thể đẩy nhanh tiến trình này, nhưng việc lấp đầy các vị trí việc làm được tạo ra sẽ cần nhiều thời gian.

Trong thời gian tới, Chính phủ Singapore sẽ đề ra các kế hoạch để tập trung vào việc thay đổi cơ cấu, điều mà nền kinh tế nước này sẽ cần trong 5 đến 10 năm tới.

Chẳng hạn như tăng cường vai trò của Singapore với tư cách là một trung tâm thương mại và tài chính khu vực, đẩy nhanh quá trình số hóa và nâng cấp các kỹ năng, cũng như xây dựng một nền kinh tế xanh, bao trùm và kiên cường hơn. Đây sẽ là những nguồn lực quan trọng đem lại lợi thế so sánh lâu dài cho Singapore sau khi đại dịch COVID-19 qua đi./.

Nguyễn Thúy (TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/singapore-trong-thoi-diem-day-thach-thuc-tren-mat-tran-viec-lam/174911.html