Singapore phát hiện chất cấm trong một số thực phẩm chức năng

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Singapore, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm có trong danh sách.

Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại nước này bao gồm:

- Hamer Candy: Dạng kẹo, không có thông tin nhà sản xuất, bị thu hồi do chứa N-desmethyl Tadalafil.

- Coco Curv: Gói bột, không có thông tin nhà sản xuất, bị thu hồi do chứa sibutramine (14,92 mg/gói).

- Choco Fit: Dạng gói, sản xuất bởi Body Perfector Resources tại Shah Alam, Selangor (Malaysia), bị thu hồi do chứa sibutramine.

- NutrilineThinsline: Gói bột 15 g, phân phối bởi Nutriline Concept Sdn. Bhd, bị thu hồi do chứa sibutramine14 mg/gói và 11,12 mg/gói.

- Nutriline Cleansline: Gói bột 10 g, nhà buôn là Nutriline Wellness S Bhd, bán lẻ bởi Nutriline Concept Sdn. Bhd, bị thu hồi do chứa sennosides 11,84 mg/gói và 8,29 mg/gói.

- Wholly Fitz "PASSION LEMON TEA" with Guarana Powder and Hoodia Gordonii Extract: Gói bột 15 g, không có thông tin nhà sản xuất, bị thu hồi do chứa sibutramine 14,62 mg và gói 13,14 mg/gói.

- Kimiso Dark Chocolate: Gói bột 15 g, không có thông tin nhà sản xuất, bị thu hồi do chứa sibutramine 1,44 mg/gói và diphenhydramine 8,44 mg/gói.

 Kẹo sâm Hammer Candies được nhiều cơ sở kinh doanh tại Việt Nam quảng cáo với tác dụng tăng cường sinh lý. Ảnh: Qoo10.

Kẹo sâm Hammer Candies được nhiều cơ sở kinh doanh tại Việt Nam quảng cáo với tác dụng tăng cường sinh lý. Ảnh: Qoo10.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Singapore, Cục An toàn Thực phẩm đã rà soát nội bộ. Kết quả cho thấy từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục Xuất nhập khẩu vào Việt Nam.

VFA khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có trong danh sách trên. Ngoài ra, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh các sản phẩm này, người dân cần báo với cơ quan chức năng gần nhất.

Trước đây, sibutramine từng được kê trong đơn thuốc giảm cân. Tuy nhiên, hoạt chất này bị cấm tại Singapore năm 2010 do làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Ngày 8/6/2010, Cục Quản lý Dược ban hành công văn ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine và đình chỉ lưu hành, thu hồi các thuốc chứa hoạt chất này năm 2011.

Sennoside là loại tân dược dùng trong thuốc có tính nhuận tràng, chỉ định dùng theo đơn. Trong khi đó, sildenafil là hoạt chất có trong các thuốc điều trị rối loạn cương dương, cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/singapore-phat-hien-chat-cam-trong-mot-so-thuc-pham-chuc-nang-post1148613.html