Singapore phạt Grab và Uber 13 triệu SGD vì sáp nhập làm giảm cạnh tranh

Sau sáu tháng điều tra, Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Singapore (CCCS) đã phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu SGD, tương đương 223 tỷ đồng, vì vụ sáp nhập vào tháng 3/2018.

Ông Toh Han Li, Giám đốc Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Singapore (CCCS), công bố án phạt 13 triệu SGD đối với Grab và Uber trong buổi họp báo sáng 24/9/2018. (Ảnh: Straits Times)

Sau thương vụ sáp nhập đình đám vào tháng 3/2018, Grab chiếm 80% thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ và giá xe tăng 10 - 15% tại Singapore. Thương vụ sáp nhập cũng được các cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam, Philippines và Indonesia điều tra. (Ảnh: Straits Times)

Trong thông cáo ngày 24/9, CCCS nói Grab bị phạt 6,4 triệu SGD và Uber 6,58 triệu SGD vì vụ sáp nhập đã giảm sự cạnh tranh trên thị trường, vi phạm điều 54 của Luật Cạnh tranh vốn cấm các vụ sáp nhập làm “sụt giảm nghiêm trọng sức cạnh tranh ở bất kỳ thị trường nào” ở đảo quốc này.

Toh Han Li - người đứng đầu CCCS - nói các vụ sáp nhập làm giảm mạnh sức cạnh tranh bị cấm và CCCS đã hành động chống lại sự sáp nhập Grab – Uber bởi việc này đã loại bỏ đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Grab, gây phương hại đến tài xế và hành khách ở Singapore. “Các công ty có thể tiếp tục sáng tạo và thay đổi ở thị trường này, bằng các phương cách khác hơn là các vụ sáp nhập làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường”, ông Li phát biểu.

Đầu tháng 3/2018, Uber tuyên bố bán lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab với giá trị không tiết lộ để đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab. Cả Grab lẫn Uber đều bị các cơ quan quản lý cạnh tranh ở Việt Nam, Singapore, Philippines và Indonesia điều tra.

Singapore là nước đầu tiên ra án phạt nặng. CCCS cũng ra lệnh cho Grab và Uber phải làm giảm nhẹ ảnh hưởng của thương vụ sáp nhập đối với tài xế và người tiêu dùng, mở cửa thị trường và tạo ra sân chơi cho các đối thủ mới tham gia.

Cuộc điều tra của CCCS kết thúc ngày 5/7/2018 với kết luận vụ sáp nhập đã làm giảm nghiêm trọng sự cạnh tranh và làm giá xe tăng 10 – 15%. Ủy ban cũng nói rằng cả Grab lẫn Uber đều nhận thức vào thời điểm sáp nhập rằng họ có thể vi phạm các điều luật cạnh tranh nhưng vẫn tiến hành vụ sáp nhập, và thậm chí có các biện pháp để giảm nhẹ các mức phạt tài chính.

Ủy ban nói thay vì tiếp tục hoạt động của mình trong khi chờ các giải pháp khác - như bắt tay với hãng taxi khổng lồ ComfortDelGro hoặc chuyển nhượng cho người mua khác - Uber đã rời bỏ thị trường Singapore chỉ bằng cách đơn giản là chấm dứt hoạt động và xem như chuyển nhượng hoàn tất.

CCCS cũng nói rằng các hợp đồng của Grab với các công ty taxi, công ty cho thuê xe và tài xế đã làm ảnh hưởng đến các đối thủ tiềm năng của hãng mở rộng kinh doanh.

Cơ quan giao thông đường bộ Singapore (LTA) cũng lên tiếng ủng hộ quyết định của CCCS.

Grab hy vọng vào đợt gọi vốn 3 tỷ USD vào cuối năm nay để mở rộng sang các lĩnh vực giao nhận thức ăn và thực phẩm, tài chính và y tế. (Ảnh: Straits Times)

Grab đang phát triển mạnh mẽ ở thị trường Đông Nam Á với 600 triệu dân. Vào đầu tháng 9/2018, Grab tuyên bố sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận và đạt 2 tỷ USD trong năm 2019 sắp tới. Người sáng lập Grab - Tan Hooi Ling – nói với hãng tin tài chính Bloomberg rằng hãng này hy vọng sẽ gọi thành công đợt vốn mới đến 3 tỷ USD vào cuối năm nay, bao gồm 1 tỷ USD từ hãng Toyota Motor của Nhật Bản.

Grab cũng đang tăng tốc đầu tư vào mảng giao nhận thức ăn và thực phẩm, tài chính và y tế để có thể “chạy đua” với đối thủ Go-Jek của Indonesia đang mở rộng thị trường ở Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philippines.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/singapore-phat-grab-va-uber-13-trieu-sgd-vi-sap-nhap-lam-giam-canh-tranh-d70457.html