Singapore cấp phép ngân hàng kỹ thuật số

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) vừa tuyên bố sẽ cấp 5 giấy phép ngân hàng kỹ thuật số trong thời gian tới, mở rộng cửa thị trường Singapore cho các doanh nghiệp không phải là ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực mới mẻ này. Mục đích của Singapore khi có bước đi này, theo Chủ tịch MAS, Tharman Shanmugaratnam, là nhằm bảo đảm hệ thống ngân hàng Singapore tiếp tục mang tính cạnh tranh cao, duy trì tính năng động và đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng trên thế giới.

Trước đó, Hồng Kông cũng cấp 8 giấy phép ngân hàng kỹ thuật số từ 29 đơn xin nhằm chuẩn bị cho kỷ nguyên ngân hàng ảo thông minh.

 Grab tỏ ý muốn tham gia vào loại ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore

Grab tỏ ý muốn tham gia vào loại ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore

Ngân hàng kỹ thuật số là loại ngân hàng không cần có trụ sở hay mở chi nhánh tuy vẫn có thể duy trì một trung tâm dịch vụ khách hàng nếu cần. Mọi hoạt động được tiến hành trên mạng, từ mở tài khoản, cấp thẻ tín dụng, cho vay hay các dạng giao dịch trực tuyến khác. Do không tốn chi phí mở chi nhánh và duy trì nhiều nhân sự nên ngân hàng kiểu mới sẽ mang tính cạnh tranh cao so với ngân hàng truyền thống. Như vậy các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (FinTech) có cơ may cung cấp dịch vụ chính thức chứ không cần thông qua các ngân hàng nữa.

Cho đến nay các hãng như Singapore Telecommunications, Grab, InstaREM và Razer tỏ ý sẽ tham gia và hiện đang nghiên cứu các điều kiện cấp phép. Thật ra Singapore đã cho phép mô hình kinh doanh cho vay trực tuyến từ năm 2000. Các tập đoàn DBS Group Holdings hay United Overseas Bank có trụ sở ở Singapore cũng đã có dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số ở một số nước châu Á như Ấn Độ hay Thái Lan. Cái mới là cho các doanh nghiệp phi ngân hàng tham gia.

Theo MAS, sẽ có hai loại giấy phép: loại đầu sẽ cấp cho hai doanh nghiệp là giấy phép ngân hàng đầy đủ, chỉ cấp cho doanh nghiệp có trụ sở ở Singapore do người Singapore nắm quyền sở hữu. Doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia phải liên doanh với một công ty Singapore. Loại ngân hàng này được phép huy động vốn từ khách hàng cá nhân và được cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính như một ngân hàng truyền thống. Loại thứ nhì cấp cho ba doanh nghiệp sẽ là giấy phép ngân hàng bán buôn, chỉ được giao dịch với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Loại giấy phép này mở rộng cho cả doanh nghiệp nước ngoài.

Việc cấp phép mang tính thử nghiệm nên sẽ chia thành hai giai đoạn cho mỗi loại ngân hàng kỹ thuật số. Chẳng hạn với loại giấy phép ngân hàng đầy đủ, giai đoạn đầu vốn tối thiểu là 15 triệu đô la, giai đoạn hai lên 1,5 tỉ đô la. Vốn huy động giai đoạn đầu tối đa chỉ được 50 triệu đô la, mỗi cá nhân chỉ được mở tài khoản tối đa 75.000 đô la; giai đoạn hai mới gỡ bỏ các hạn chế này.

Hãng Moody’s nhận định các giấy phép mới này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng nhỏ vì các FinTech tham gia có lợi thế về công nghệ hiện đại lẫn kỹ năng phân tích dữ liệu để cung cấp dịch vụ tài chính tốt hơn với chi phí thấp hơn. Riêng ba ngân hàng lớn, gồm DBS Group, Overseas-Chinese Banking Group và United Overseas Bank thì đã có nhiều nỗ lực số hóa hoạt động của mình. Ví dụ DBS năm ngoái đầu tư đến 937 triệu đô la hay 7,1% thu nhập cho công nghệ số hay UOB cũng đầu tư đến 414 triệu đô la hay 4,5% thu nhập để nâng cấp công nghệ. Ngân hàng số lại thiếu mối giao tiếp giữa người với người nên cũng khó lòng thu hút khách hàng lớn tuổi.

Tuy nhiên nếu nhìn Singapore như một bàn đạp để từ đó mở rộng dịch vụ tài chính ra các nước ASEAN khác thì động thái cấp phép thử nghiệm của Singapore là một bước đi tận dụng thời cơ để chiếm lợi thế người đi trước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291310/singapore-cap-phep-ngan-hang-ky-thuat-so-.html