'SIM rác' tái diễn, lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm

Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã cắt giảm hơn 1,3 triệu thuê bao di động do thông tin thuê bao không đủ hoặc thuê bao được kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

Không để SIM rác tràn lan, gây hệ lụy cho xã hội

Không để SIM rác tràn lan, gây hệ lụy cho xã hội

Bộ TT-TT cho biết, tính đến hết tháng 6-2019, số máy điện thoại di động đang hoạt động trên cả nước là trên 138,2 triệu thuê bao, bằng 106,88% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, số lượng thuê bao điện thoại di động cắt giảm do không đủ thông tin thuê bao, thuê bao kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối là trên 1,3 triệu thuê bao.

Đáng chú ý, tình trạng “SIM rác”, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng vẫn tái diễn. Mới đây, Bộ TT-TT đã xử phạt 4 doanh nghiệp (Viettel, VNPT Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile) về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, Bộ TT-TT đã nhấn mạnh, Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu vẫn còn để xảy ra tình trạng SIM rác. Tuy nhiên đến nay, việc mua “SIM rác”, có sẵn thông tin thuê bao vẫn khá phổ biến.

Bộ TT-TT yêu cầu, Chủ tịch và Tổng Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương chỉ đạo, nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm khi để xảy ra tình trạng bán tràn lan SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường trong thời gian dài, để người sử dụng mua được SIM kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký, khai báo lại thông tin thuê bao.

Bên cạnh trách nhiệm của nhà mạng, Bộ TT-TT cũng đề nghị người sử dụng SIM di động cũng phải nâng cao ý thức khi sở hữu, sử dụng SIM.

Khoản 1, điều 2, Nghị định 49/2017/NĐ-CP về quản lý thuê bao di động trả trước quy định, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng thì chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các vụ án có liên quan tới số thuê bao di động do cá nhân hay tổ chức đứng tên chủ thuê bao, nhưng không trực tiếp sử dụng mà lại cho người có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng, thì người đứng tên chủ thuê bao có trách nhiệm giải trình, chứng minh nếu cơ quan chức năng yêu cầu; Thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu như hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/sim-rac-tai-dien-lanh-dao-doanh-nghiep-vien-thong-phai-chiu-trach-nhiem/817042.antd