'Siêu vũ khí' Nga sẽ bị Mỹ ngăn cản?

Nga không quá kỳ vọng về sự hợp tác với Mỹ và viễn cảnh cho ngành năng lượng Nga cũng không mấy sáng sủa.

Nga không kỳ vọng

Quan hệ Nga-Mỹ có thể nói đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai nước đối đầu trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó có năng lượng, vốn vẫn được phương Tây coi là một loại “siêu vũ khí” của Nga. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước có hạ nhiệt sau khi Mỹ có tổng thống thứ 46?

Phát biểu với báo giới mới đây, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov nhận định, nếu dưới thời ông Biden, yếu tố ý thức hệ trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ gia tăng, kéo theo hành động công kích Nga về nhân quyền và tình trạng các dân tộc thiểu số. Ông Pushkov nêu giả thuyết: "Chúng ta có thể bước sang giai đoạn chiến tranh lạnh căng thẳng".

Ông Pushkov lưu ý rằng ông Biden nằm trong số những chính trị gia coi Nga là kẻ thù chính của Mỹ. Ông cho rằng: "Ông ấy (Biden) chiếm một vị trí quan trọng trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người mở đầu chính sách trừng phạt Nga, một chính sách cô lập và kiềm chế để 'báo thù' mọi vấn đề nói chung, như về Syria, Gruzia, Ukraina”.

Quan hệ Nga-Mỹ đối mặt nhiều chông gai

Quan hệ Nga-Mỹ đối mặt nhiều chông gai

Nghị sĩ Nga nhấn mạnh, “ông Biden là một phần của toàn bộ đường lối đó với chủ trương chèn ép Nga, vì vậy ông ấy sẽ mang đường lối đó trở lại Nhà Trắng, như là phản xạ hình thành từ thời chính quyền Obama".

Trước đó, hãng thông tấn RIA ngày 3/11 dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow không quá kỳ vọng về sự hợp tác với vị Tổng thống mới của Mỹ. Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga sẽ tôn trọng mọi sự lựa chọn của người dân Mỹ và sẽ sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng, song Moscow luôn thực tế trong đánh giá các triển vọng về mối quan hệ song phương.

Những phát biểu trên từ phía Nga cho thấy triển vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, trong đó có lĩnh vực cốt tử của Nga là năng lượng, không mấy sáng sủa. Theo giới phân tích, căng thẳng trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước là một câu chuyện có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Những hiềm khích và những tuyên bố chỉ trích lẫn nhau không chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây mà đã tích tụ từ lâu và có khả năng gia tăng trong tương lai.

Nhìn từ quan điểm về an ninh năng lượng quốc gia, cả Mỹ và Nga có thể nói đều không phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng, vì cả hai quốc gia đều có khả năng tự cung tự cấp và không có gì để chia sẻ để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng bền vững của mình. Tuy vậy, năng lượng vẫn là nguồn gây bất đồng thường xuyên trong quan hệ song phương này.

Trong những thập niên gần đây, hai nước chìm trong những cuộc xung đột công khai và tiềm ẩn liên quan đến lĩnh vực năng lượng như tranh giành quyền tiếp cận công nghệ năng lượng (các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực này đã đồng hành với quan hệ song phương suốt nửa thế kỷ qua), cạnh tranh trên thị trường khí đốt châu Âu (từ xung đột xung quanh thỏa thuận đường ống khí đốt của Liên Xô đến cuộc đấu tranh hiện tại cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2, và sự cạnh tranh giữa khí đốt của Nga và khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ), và tranh chấp ở khu vực Caspi (xung quanh việc phát triển đường ống dẫn dầu và khí đốt bỏ qua Nga) và Bắc Cực (xung quanh quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực).

Quan hệ song phương từng có thời kỳ ấm lên khi hai bên cố gắng tìm kiếm lợi ích chung và thậm chí bắt đầu các dự án chung, nhưng hầu hết đều không đạt được kỳ vọng.

Dự án dầu khí Sakhalin-1 ở Viễn Đông, mà tập đoàn ExxonMobil của Mỹ tham gia năm 1996, có lẽ là ví dụ duy nhất cho sự hợp tác thành công giữa hai nước. Mặc dù vậy, nhiều kế hoạch trong dự án đó như kế hoạch xuất khẩu khí đốt đã không thành hiện thực.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) dưới thời Tổng thống Trump từng là lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil có dự án tại Nga

Theo giới phân tích, gần như không có bất kỳ nỗ lực nào từ phía các công ty Mỹ tham gia các dự án khí đốt lớn của Nga (ví dụ như dự án Shtokman), không có bất kỳ kế hoạch nào nhằm kết hợp nỗ lực của Rosneft và ExxonMobil để nghiên cứu và phát triển thềm lục địa Bắc Cực và Biển Đen, hay tạo ra một trung tâm nghiên cứu và phát triển chung ở Bắc Cực, cũng không có bất kỳ cố gắng nào từ phía công ty Lukoil (Nga) để giành được một chỗ đứng trên thị trường bán lẻ của Mỹ.

Mặc dù hợp tác song phương còn yếu nhưng tính đến năm 2014, mâu thuẫn giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng vẫn chưa đến mức đối đầu công khai mà chỉ dừng lại ở mức độ biểu tượng, được thể hiện ở những cử chỉ, lời lẽ và nỗ lực gây ảnh hưởng ngoại giao tới các nước thứ ba.

Mọi thứ đã thay đổi trong 5-7 năm gần đây, khi việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu khí của Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra đồng thời với sự bùng nổ sản xuất dầu khí đá phiến ở Mỹ.

Sự bùng nổ này đã giúp Mỹ bớt phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, thậm chí còn biến nước này thành nhà xuất khẩu ròng đối với một số mặt hàng như khí tự nhiên hóa lỏng. Điều này ngay lập tức đẩy Nga và Mỹ vào cuộc chiến giành giật những thị trường lớn nhất thế giới là châu Âu và châu Á.

Viễn cảnh cho ngành năng lượng Nga

Kể từ năm 2011, Mỹ đã vượt qua Nga về sản lượng khí đốt hàng năm. Sau đó, xuất khẩu khí đốt của Nga chịu áp lực từ khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Tuy nhiên, chi phí sản xuất và vận chuyển khí đốt của Nga thấp hơn nhiều so với Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ gây áp lực chính trị với các chiêu bài như giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nga và tăng cường phản đối các dự án đường ống dẫn khí của Nga.

Tình trạng này lặp lại đối với dầu mỏ trong giai đoạn 2014-2016. Các nhà khai thác dầu mỏ Nga đã kinh ngạc khi phát hiện ra rằng sự bất ổn kinh tế và khả năng phục hồi của các dự án đá phiến, vốn đã được báo chí Nga đề cập đến nhiều lần, không ngăn cản người Mỹ tăng sản lượng dầu. Kể từ năm 2015, Mỹ đã vượt qua Nga về sản lượng và tốc độ khai thác dầu hàng năm.

Ngân sách Nga thiệt hại nặng nề do giá dầu giảm sâu

Giới phân tích nhấn mạnh, vấn đề không chỉ nằm ở sản lượng sản xuất ở Mỹ. Các nhà sản xuất Mỹ không đặc biệt quan tâm đến số phận của toàn ngành mà nhanh chóng tăng sản lượng, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và giá giảm.

Sự sụp đổ của giá dầu và khí đốt trong giai đoạn 2015-2016 đã buộc Nga phải chú trọng nhiều hơn đến cuộc cạnh tranh với ngành năng lượng Mỹ và xem xét lại phần lớn nội dung trong quan hệ với OPEC. Lần đầu tiên Nga chấp nhận phối hợp với các đối tác để ổn định thị trường nhằm giải quyết hậu quả của tình trạng tăng trưởng không kiểm soát trong sản xuất.

Tại Mỹ, ông Joe Biden đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng còn Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chưa chấp nhận thất bại. Trong trường hợp ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, triển vọng cũng không mấy khả quan cho ngành năng lượng Nga.

Ông Biden ủng hộ đưa Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận xanh với việc chuyển đổi từng bước từ dầu mỏ sang năng lượng tái tạo.

Các kế hoạch của ông nhằm loại bỏ hoàn toàn carbon khỏi ngành năng lượng Mỹ vào năm 2035 và đạt mục tiêu “trung hòa” hoàn toàn về khí hậu vào năm 2050 được cho là sẽ gây căng thẳng đối với nền kinh tế Nga.

Ông J. Biden từng đến Moscow với vai trò Phó Tổng thống Mỹ và gặp Tổng thống Nga V. Putin hồi tháng 3/2011 với triển vọng "cài đặt lại" quan hệ Nga-Mỹ

Ông Biden hứa hẹn sẽ đầu tư 2.000 tỷ USD trong vòng 4 năm tới để đưa nước Mỹ chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch (bao gồm việc xây dựng các mạng lưới sạc xe điện và chế tạo các dòng ô tô mới sử dụng năng lượng sạch).

Ông cũng có kế hoạch thắt chặt các quy định về thuế và môi trường đối với ngành dầu khí (hủy bỏ trợ cấp liên bang, hạn chế cấp giấy phép mới, hủy bỏ việc xây dựng các đường ống mới). Đầu tư vào các công nghệ năng lượng carbon thấp, vốn đã bị Trump cắt giảm đáng kể, sẽ tăng lên, và việc làm mới sẽ được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Việc Mỹ không còn mặn mà với dầu mỏ chưa hẳn đã để lại sân chơi tự do cho Nga bởi một khi Mỹ, một trong những nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, chuyển hướng chiến lược về năng lược chắc chắn sẽ làm chậm lại tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, cũng như khiến các quốc gia khác phải điều chỉnh chiến lược năng lượng của mình.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã công bố loại bỏ carbon vào năm 2060. Và quyết định của các bên tham gia thị trường lớn nhất (Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ trở thành một yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư và nhà sản xuất thiết bị.

Vì vậy, nếu Biden thắng cử, thì Nga sẽ chịu áp lực lớn hơn từ chương trình nghị sự khí hậu và càng không nên mong đợi bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía ông trong vấn đề trừng phạt.

Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, nhìn từ quan điểm của các tập đoàn nhiên liệu và năng lượng Nga, các cuộc bầu cử ở Mỹ là sự lựa chọn giữa phương án tồi tệ và phương án tồi tệ hơn.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sieu-vu-khi-nga-se-bi-my-ngan-can-3422140/