Siêu tốc đánh lửa, thổi rơm thi nấu cơm nhanh ở làng Thị Cấm

Trong màn khói mù mịt và tiếng hò reo của dân làng, các đội chơi nhanh tay nấu những nồi cơm thật ngon dẻo rồi cùng ăn lấy may đầu năm.

Sáng ngày 12.2 (mùng 8 tháng Giêng), người dân làng Thị Cấm (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đổ xô đến đình làng để dự hội thi nấu cơm.

Hội thi nấu cơm làng Thị Cấm là hoạt động truyền thống của làng nhằm tưởng nhớ công ơn của tướng quân Phan Tây Nhạc, đời vua Hùng Vương thứ 18. Trước đây ông từng tổ chức thi thổi cơm để tìm người nuôi quân giỏi.

Trước giờ thi khoảng một tiếng, các đội thi đều có mặt để chuẩn bị sẵn các vật dụng cho cuộc thi như chày, cối, rơm...

Nhiều người dân trong làng cũng có mặt để hỗ trợ chuẩn bị cùng các đội thi.

Sau khi ban tổ chức hoàn thành các nghi lễ bên trong đình cũng là lúc tiếng trống báo hiệu bắt đầu cuộc thi vang lên. Mở đầu là phần thi chạy lấy nước thổi cơm, 4 thiếu niên đại diện cho từng đội chạy thật nhanh ra sông Nhuệ lấy nước về nấu cơm.

Diễn ra cùng lúc với phần thi chạy là phần thi kéo lửa. Các thanh niên trai tráng phải dùng các dụng cụ đánh lửa thô sơ để tạo ra lửa bằng lực ma sát. Sau đó phải vừa mang lửa về đội của mình, vừa thổi vào bó rơm để giữ lửa.

Trong lúc đó, các thành viên còn lại lo công đoạn giã gạo, sàng trấu, vo gạo thật sạch....

Các thành viên khác thì đun sôi nồi nước trước khi cho gạo vào. Không khí cuộc thi diễn ra rất khẩn trương vì các đội chỉ có khoảng 30 phút từ lúc kéo lửa đến khi cơm chín.

Khi cơm sôi, một người lấy que đè vung nồi để cơm tránh bị trào ra do lửa rất to. Sau đó, các nồi cơm sẽ được trải một lớp khăn và giấy ăn lên trên để tránh bị tro tràn vào khi vùi trong tro rơm.

Dù khói đã bốc lên mù mịt, thành viên các đội vẫn ra sức đốt thêm rơm để tăng nhiệt độ cho cơm chín nhanh hơn.

Hết thời gian, ban giám khảo yêu cầu các đội dừng tay để đi thu các nồi cơm về chấm điểm. Một số đội chơi vẫn cố thổi lửa cháy thêm một lúc cho cơm chín tới.

Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, ban giám khảo sẽ mang xới ra bát để dâng lên Thành hoàng làng.

Sau đó, các thành viên ban giám khảo nhìn bằng mắt và dùng tay bấm thử vài hạt cơm để chấm điểm. Nồi cơm nào trắng, dẻo, thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng.

Nếu nhìn bằng mắt vẫn chưa đủ, các giám khảo sẽ nếm thử cơm để đưa ra kết luận chính xác.

Ngoài sân đình, người dân chăm chú theo dõi diễn biến, hồi hộp chờ kết quả.

Sau khi nồi cơm giành giải nhất được công bố, người dân vội vàng lao tới, tranh nhau bốc một nắm cơm để ăn lấy may.

Các đội đạt giải chụp ảnh kỉ niệm sau khi kết thúc cuộc thi.

Anh Vinh Ngọc, thành viên của đội đạt giải nhất phần thi kéo lửa chia sẻ, nhờ nỗ lực tập luyện và phối hợp ăn ý nên đội anh chỉ mất 22 giây để đánh lửa thành công, nhanh hơn đội về nhì 4 giây.

12 năm tham gia cuộc thi nấu cơm của làng, bà Vũ Thị Oanh cho biết, đây là lần thứ 3 bà giành giải nhất ở phần thi thổi cơm. "Cuộc thi mang rất nhiều ý nghĩa, bên cạnh việc tưởng nhớ cha ông, nó còn tượng trưng cho một cuộc sống no ấm, đồng thời giúp cho dân làng đoàn kết, yêu thương nhau hơn", bà Oanh cho biết thêm.

Trọng Nghĩa

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/am-thuc/anh-sieu-toc-danh-lua-thoi-rom-thi-nau-com-nhanh-o-lang-thi-cam-955002.html