Siêu thị tập trung tiêu thụ nông sản Hải Dương

Trước những khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản từ vùng có dịch Covid-19, đặc biệt là tại tỉnh Hải Dương, nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội và khu vực phía Bắc đã tích cực triển khai gian hàng bán nông sản để hỗ trợ bà con nông dân.

Đặc biệt, các siêu thị còn cam kết bán hàng không lợi nhuận hay tiêu thụ đến cuối mùa vụ, đồng thời có biện pháp kiểm soát chất lượng bảo đảm an toàn, không thu mua đại trà những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Quầy hàng bán nông sản từ Hải Dương của Siêu thị MM Mega Mart Hà Nội.

Để hỗ trợ đầu ra cho nông sản tỉnh Hải Dương, Hệ thống siêu thị GO! / Big C (một thành viên của tập đoàn Central Retail tại Việt Nam) đã thực hiện chương trình đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhằm hỗ trợ nông dân Hải Dương giảm bớt thiệt hại về kinh tế.

Theo đó, từ hôm qua (22-2), hệ thống siêu thị GO! / Big C áp dụng chương trình bán hàng với giá ưu đãi các loại nông sản của tỉnh Hải Dương, gồm: Cà rốt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, hành lá…

Dự kiến, trong 1 tuần, GO! / Big C miền Bắc sẽ tiêu thụ khoảng 70 tấn nông sản của Hải Dương và sẽ tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm của Hải Dương cho đến cuối mùa vụ, nhằm chung tay giúp người nông dân bớt thiệt hại nhất có thể.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail (quản lý vận hành chuỗi siêu thị GO! / Big C) cho biết: “Dịch Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến đầu ra các sản phẩm nông sản của tỉnh Hải Dương. Chúng tôi hy vọng rằng, với tinh thần tương thân tương ái, người tiêu dùng sẽ ủng hộ sản phẩm của Hải Dương, để người nông dân bớt khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Cùng vào cuộc tiêu thụ nông sản Hải Dương, Hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ (thuộc Tập đoàn Masan) cũng tích cực tham gia. Đại diện VinMart/VinMart+ cho biết, VinMart/VinMart+ miền Bắc đang bán không lợi nhuận một số loại nông sản Hải Dương như cà chua, su hào, cà rốt, bắp cải, ổi... Dự kiến, sản lượng tiêu thụ của hệ thống này là 70 tấn/tuần.

Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam cũng công bố kế hoạch “Đồng hành cùng nông dân Hải Dương” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Hải Dương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, siêu thị này đã đặt mua chuyến hàng đầu tiên khoảng 24,3 tấn rau quả bao gồm: Su hào, cải bắp và ổi... và được chuyển từ Hải Dương về phân phối tại các trung tâm của MM Mega Market tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Sắp tới, các chuyến hàng nông sản từ Hải Dương đến Hà Nội sẽ lên đến 5-6 tấn mỗi chuyến, với tần suất mỗi ngày 1 chuyến. Đối với thành phố Hồ Chí Minh và khu vực miền Trung, dự kiến sẽ có 2 chuyến hàng “giải cứu” mỗi tuần, tổng sản lượng lên đến 70 tấn/tuần.

Về việc chung tay tiêu thụ nông sản ở Hải Dương, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, trước mắt, siêu thị thành lập gian hàng để thiết thực hỗ trợ bà con nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản. Sau đó tùy tình hình sẽ có lộ trình phù hợp để tiếp tục hỗ trợ bà con. Ước tính đợt này, siêu thị sẽ bù chi phí để có thể bán ra khoảng 200 đến 300 tấn, dự kiến kéo dài trong một tháng hoặc cho đến khi tổng lượng nông sản toàn tỉnh cơ bản được tiêu thụ ổn định.

Quầy tiêu thụ nông sản Hải Dương của siêu thị Co.opmart ở Hà Nội đang bán su hào và cà chua giá 4.900 đồng/kg, bắp cải trắng giá 3.900 đồng/kg, cà rốt 16.900 đồng/kg. Theo siêu thị, nguồn hàng giải cứu này siêu thị chủ yếu tiêu thụ từ các hợp tác xã và có biện pháp kiểm soát chất lượng bảo đảm an toàn, không thu mua đại trà những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Việc này nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và bảo đảm uy tín nông sản Hải Dương. Giá bán sản phẩm do siêu thị bù chi phí vận chuyển và nhân công, tuyệt đối không ép giá nông dân để mua rẻ.

Theo thống kê, tỉnh Hải Dương còn khoảng 90.760 tấn nông sản chưa tiêu thụ được, bao gồm 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá. Vì dịch Covid-19, việc vận chuyển hàng hóa của Hải Dương đã gặp khó khăn.

Để giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải... thống nhất về một số vấn đề như hướng dẫn lưu thông hàng hóa, biện pháp phòng dịch an toàn trong vận tải, hậu cần, cách thức xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn với dịch bệnh... Bộ Công Thương cũng đề xuất, các tỉnh có Covid-19 cần được hỗ trợ về xét nghiệm, nhằm đảm bảo tối đa nhu cầu của đội ngũ lái xe, áp tải hàng.

Với các địa phương, Bộ đề nghị cần chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của người điều khiển phương tiện vận tải đến từ vùng dịch của các đơn vị xét nghiệm được ngành Y tế chỉ định.

Bên cạnh đó, các địa phương có dịch và giáp ranh chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kinh nghiệm (Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Quảng Nam,...) để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả...

Đoàn Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/991878/sieu-thi-tap-trung-tieu-thu-nong-san-hai-duong