Siêu thị Nguyễn Kim trốn thuế 100 tỷ có thể bị truy tố hình sự?

Cục Thuế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt hành chính sau khi thanh tra các hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của công ty Cổ phần điện máy Nguyễn Kim với số tiền hơn 104 tỷ đồng. Tuy nhiên theo văn phòng luật sư Chính Pháp, nếu đủ căn cứ có thể truy tố hình sự.

Qua thanh tra các hành vi trốn thuế TNCN, công ty Cổ phần điện máy Nguyễn Kim (điện máy Nguyễn Kim) đã bị cục Thuế TP.HCM truy thu thuế TNCN với số tiền hơn 104 tỷ đồng, phạt hơn 19 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24 tỷ đồng. Tổng số tiền doanh nghiệp phải nộp ngân sách là gần 150 tỷ đồng.

Nguyễn Kim lách thuế như thế nào?

Điện máy Nguyễn Kim đã "lách" TNCN bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để trốn thuế.

Theo tìm hiểu, bảng lương của những cán bộ thể hiện mức thu nhập hàng tháng như sau: Phó Tổng giám đốc 200- 400 triệu đồng, Giám đốc trung tâm cấp 1 từ 45 – 55 triệu đồng, Phó giám đốc 40 triệu đồng, Trưởng phòng trực tiếp 16 triệu đồng, gián tiếp 18,5 triệu đồng, chuyên viên chuyên trách 10 triệu đồng.

Được biết việc truy thu thuế TNCN này liên quan đến việc kê khai lương nhân viên của điện máy Nguyễn Kim. Hơn chục năm qua, năm nào nhân viên cũng ủy quyền cho công ty quyết toán thuế đầy đủ. Thế nhưng điện máy Nguyễn Kim đã "lách" thuế TNCN bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ.

Quyết định xử phạt Điện máy Nguyễn Kim của cục Thuế TP.Hồ Chí Minh.

Tuy người lao động có thu nhập cao, nhưng điện máy Nguyễn Kim lại không trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định để nộp vào ngân sách, mặc dù toàn bộ người lao động đã ủy quyền quyết toán thuế TNCN hàng năm cho Nguyễn Kim.

Ở đây, điện máy Nguyễn Kim chỉ lấy lương cơ bản làm cơ sở tính thuế với người lao động. Số tiền còn lại bao nhiêu, Nguyễn Kim đưa vào tiền tăng ca để “né” thuế TNCN.

Ví dụ, với chức danh Tổng giám đốc, mỗi tháng lương thực nhận khoảng 300 triệu đồng nhưng điện máy Nguyễn Kim chỉ khai thuế 30 triệu đồng. Với chức danh Trưởng bộ phận, lương mỗi tháng thực nhận 50 triệu đồng thì doanh nghiệp này chỉ khai thuế 12 triệu đồng.

Số tiền còn lại sẽ được công ty này chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế).

Các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng ngàn nhân viên cũng được doanh nghiệp này chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch. Do vậy, riêng số thuế TNCN mà siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã trốn nộp cho ngân sách là hơn 100 tỷ đồng.

Trung bình mỗi năm, người lao động như Giám đốc được thưởng 10 tháng lương, trưởng phòng 9 tháng, chuyên viên 4 tháng... Tuy nhiên, số tiền này Nguyễn Kim tính hết vào lương ngoài giờ để “né” không nộp thuế TNCN.

Cụ thể mức thưởng quý cho Giám đốc trung tâm cấp 1 như sau: Lương thu nhập 45 triệu đồng/tháng. Trong 1 quý được thưởng theo hệ số là 2.0 = 90 triệu x 1,324 (là số điểm doanh thu) = 119 triệu đồng. Số tiền thưởng này Nguyễn Kim “biến” thành lương ngoài giờ đề không nộp thuế TNCN.

Cụ thể hơn, một Giám đốc cấp cao của Nguyễn Kim, một năm được thưởng 9 tháng lương là 2,5 tỷ đồng. Lẽ ra theo quy định, số tiền thưởng này phải nộp thuế TNCN là 698,8 triệu đồng. Nhưng Nguyễn Kim tính số tiền thưởng này là tiền lương ngoài giờ để “né” thuế TNCN.

Bên cạnh đó, một số nhân viên Nguyễn Kim cho biết đang tiếp tục khiếu nại vì cho rằng việc thanh tra, truy thu thuế của cơ quan thuế vẫn chưa đầy đủ do từ đầu năm 2014, điện máy Nguyễn Kim dù chưa lên sàn chứng khoán đã ra quyết định thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu, được quy đổi là 50.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) nhưng không khai thuế.

Có thể truy tố trách nhiệm hình sự?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: “Nếu hành vi trốn thuế này là vô tình thì cơ quan thuế sẽ xử phạt và truy thu thuế.

Còn nếu doanh nghiệp cố tình kê khai các khoản thu nhập làm thêm một cách hệ thống, kéo dài trong nhiều năm thì đó là hành vi trốn thuế. Theo quy định của luật Quản lý thuế, cơ quan thuế có thể chuyển vụ việc cho cơ quan công an xử lý”.

“Riêng trường hợp doanh nghiệp có kê khai thu nhập làm thêm nhưng trên thực tế người lao động không nhận được thu nhập đó thì doanh nghiệp đã có hành vi gian lận về thuế. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào luật Quản lý thuế, luật Hình sự để xử lý”, ông Cường cho biết thêm.

Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Bên cạnh đó, luật sư Cường cho rằng: “Trong sự việc này, cần làm rõ hành vi của Nguyễn Kim là khai sai thuế hay có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Để xác định việc khai sai giảm tiền nộp thuế của Nguyễn Kim có phải là hành vi gian lận thuế hay không thì các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc điều tra xác minh bằng nghiệp vụ điều tra.

Dựa trên các chứng từ, tài liệu, hồ sơ, sổ sách kế toán được lưu trữ của doanh nghiệp, tài liệu khai nộp cho cơ quan thuế và các văn bản có liên quan đến việc chi trả lương cho người lao động.

Kết quả điều tra xác minh sẽ được lập thành biên bản và có kết luận rõ ràng để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm cũng như biện pháp xử lý.

Biện pháp xử phạt được áp dụng dựa trên hành vi vi phạm và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đó. Nếu hành vi vi phạm đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý hình sự. Nếu chưa đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì hành vi đó có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Đặng Thủy-Đàm Linh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/sieu-thi-nguyen-kim-tron-thue-100-ty-co-the-bi-truy-to-hinh-su-a377493.html