Siêu thị khan hiếm rau xanh, chợ truyền thống tăng giá bán

Những ngày sau Tết Nguyên đán, nhu cầu rau xanh của người dân tăng cao nhưng lượng cung hạn chế.

Cũng vào thời điểm này, bệnh viêm phổi cấp do virus corona có nguy cơ lan rộng nên một bộ phận người dân mua tích trữ thực phẩm, dẫn đến tình trạng rau củ “cháy hàng”, tăng giá.

Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các quầy thực phẩm khô như: Mỳ tôm, xúc xích, bánh mỳ, sữa thu hút đông khách hàng. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh cũng là mặt hàng tiêu thụ mạnh khiến một số siêu thị cung không đủ cầu. Nhân viên siêu thị Vinmart cho biết, những ngày này, nhu cầu rau, củ tăng cao nhưng lượng rau cung cấp sau Tết hạn chế nên không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đại diện siêu thị Big C cho biết, lượng tiêu thụ hàng hóa sau Tết năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt những ngày gần đây, do tâm lý lo sợ virus corona nên lượng mua hàng hóa, thực phẩm tươi sống, rau xanh tăng đột biến.

Mặc dù các siêu thị không tăng giá bán rau xanh nhưng giá rau xanh tại hệ thống chợ truyền thống tăng đáng kể so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Tại chợ Thành Công, rau muống mớ nhỏ được bán với giá 15.000 đồng/mớ, mớ to được bán với giá 30.000 đồng; cà chua được bán với giá 60.000 đồng/kg, trong khi đó, thời điểm trước Tết chỉ từ 12.000 -15.000 đồng/kg; cải chíp 34.000 đồng/kg, cải bó xôi 40.000 đồng/kg...

Ngay cả mặt hàng chanh tươi, nếu như trước Tết chỉ 3.000 đồng/quả thì nay là 5.000 đồng/quả, các loại rau thơm, xà lách giá cũng được đội lên rất nhiều so với trước Tết. Lý giải việc tăng giá rau xanh, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng tại tại chợ Thành Công có chung ý kiến, ra Tết nguồn cung rau chưa nhiều, bên cạnh đó lại vừa trải qua trận mưa đá dịp Tết nên rau bị hỏng rất nhiều, điều này khiến cho giá thành cũng tăng lên vài giá.

Không chỉ có giá rau, củ, quả tăng mà giá thực phẩm tươi sống như thịt gà, hải sản cũng đều tăng. Thịt gà ta làm sẵn loại ngon có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg; thịt bò 300.000 - 320.000 đồng/kg, cá chép, cá trắm cỏ có giá bán từ 65.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại, tăng từ 5 - 10% so với trước Tết Nguyên đán.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), riêng thịt lợn do ảnh hưởng từ dịch viêm phổi do virus corona nên giá lợn hơi tại các địa phương đã giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã giảm giá bán lợn hơi thêm 1.500 đồng về 80.500 đồng/kg. Tương tự, nhiều công ty chăn nuôi khác cũng giảm giá lợn hơi về dưới 80.000 đồng/kg.

Chẳng hạn, Công ty Anfa giảm giá bán lợn hơi xuống mức 77.500 - 80.000 đồng/kg, lợn hơi CJ về 78.000 đồng/kg, Emivest 79.000 đồng/kg. Việc các DN chăn nuôi giảm giá bán khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cũng giảm nhẹ, dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại nhưng sức mua không tăng. Theo chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên nhân khiến sức mua thịt lợn không tăng dù giá đã giảm là do virus corona hiện đang bùng phát nên nhiều người tránh ra chợ, hạn chế đến nơi đông người.

Thu Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sieu-thi-khan-hiem-rau-xanh-cho-truyen-thong-tang-gia-ban-364379.html