'Siêu tên lửa chống hạm' Iran bị Mỹ vô hiệu hóa dễ dàng, không có cơ hội trước chiến hạm Anh?

Mặc dù hải quân Iran tuyên bố 'cơn mưa tên lửa chống hạm' sẽ nhấn chìm chiến hạm Anh và Mỹ, tuy nhiên thực tế đã chứng minh Tehran rất khó làm được điều như họ nói.

 Hải quân Hoàng gia Anh mới đây đã điều khu trục hạm phòng không HMS Duncan thuộc Type 45 Daring tối tân nhất của mình tới Vịnh Ba Tư để hộ tống tàu vận tải đi eo khu vực này.

Hải quân Hoàng gia Anh mới đây đã điều khu trục hạm phòng không HMS Duncan thuộc Type 45 Daring tối tân nhất của mình tới Vịnh Ba Tư để hộ tống tàu vận tải đi eo khu vực này.

Sở dĩ Anh phải đưa chiếc HMS Duncan tới bởi Iran đã đưa ra đe dọa sẽ đánh chìm tàu chiến Anh bởi "cơn mưa tên lửa" sau vụ đụng độ giữa các xuồng cao tốc của họ với chiến hạm HMS Montrose.

HMS Duncan được trang bị radar mảng pha quét chủ động S1850M có thể theo dõi tự động 1.000 mục tiêu từ cự ly lên đến 800 km trên mặt biển và 400 km trong không gian.

Bên cạnh đó là radar mảng pha quét điện tử chủ động đa chức năng SAMPSON, có thể phát hiện các vật thể bay có diện tích phản xa radar nhỏ từ cách xa 400 km với hàng trăm mục tiêu được theo dõi cùng lúc.

Khu trục hạm HMS Duncan được tích hợp 48 ống phóng thẳng đứng A50, mang theo hỗn hợp 48 tên lửa phòng không tầm trung/xa Aster-15/30 có thể tiêu diệt mọi mục tiêu bay trong cự ly từ 1,7 - 120 km.

Sở hữu dàn radar cùng tên lửa đánh chặn tinh vi, đi kèm hệ thống tác chiến điện tử đồ sộ, HMS Duncan được cho là đủ khả năng vô hiệu hóa toàn bộ tên lửa chống hạm của Iran được bắn đi với số lượng lớn.

Tên lửa chống hạm chủ lực của hải quân Iran hiện nay là loại Noor, đây thực chất là một bản sao dựa trên tên lửa C-802 của Trung Quốc mà Tehran sản xuất theo giấy phép.

Tên lửa Noor có tầm bắn 170 km, vận tốc cận âm và mang theo đầu đạn nặng 165 kg. Mặc dù thông số lý thuyết khá ấn tượng nhưng vũ khí này từng bị chiến hạm Mỹ vô hiệu hóa dễ dàng trong tình huống đối đầu trực tiếp.

Năm 2016, khu trục hạm USS Mason của hải quân Mỹ được triển khai tới bờ biển Yemen để hỗ trợ chiến dịch quân sự của liên quân Saudi Arabia, nó đã nhiều lần bị tên lửa chống hạm Noor tấn công nhưng chẳng hề hấn gì.

Vụ việc đầu tiên diễn ra vào ngày 9/10/2016, USS Mason khi đó đang hoạt động trong eo biển Bab-el-Mandeb thì phát hiện 2 tên lửa chống hạm Noor được lực lượng vũ trang Houthi phóng tới.

Khu trục hạm Mỹ phóng một quả tên lửa phòng không tầm xa SM-2 và một quả tầm trung RIM-162 để đánh chặn. Kết quả là 2 tên lửa Noor đâm xuống biển, không rõ là vì bị đánh chặn hay mất tín hiệu.

Vào ngày 12/10/2016, 2 quả tên lửa Noor khác của Houthi lại nhằm vào tàu USS Mason. Một quả tiếp tục đâm xuống biển, quả còn lại nhiều khả năng bị đánh chặn ở khoảng cách 8 km.

Đến ngày 15/10/2016, Houthi phóng cùng lúc 5 tên lửa chống hạm Noor vào USS Mason. Lần này tàu khu trục Mỹ thực hiện nhiều biện pháp đối phó gồm phóng mồi bẫy radar và nhiệt và bắn tên lửa phòng không SM-2.

Kết quả là cả 5 tên lửa Noor đều bị đánh chặn hoặc đánh lừa nên không thể đến mục tiêu, như vậy chỉ một khu trục hạm Mỹ đã chiến thắng cả chục quả tên lửa chống hạm Noor do Iran sản xuất.

Năng lực của tên lửa chống hạm Noor cũng vì thế mà bị nghi ngờ rất nhiều, nó bị đánh giá chỉ là bản sao chất lượng thấp từ C-802 của Trung Quốc mà thôi.

Chính vì vậy kể cả xảy ra trường hợp Iran phóng cấp tập hàng loạt tên lửa Noor vào khu trục hạm phòng không cực kỳ tối tân của Anh thì kết cục của chúng được dự đoán cũng sẽ giống như bắn vào chiến hạm Mỹ.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-sieu-ten-lua-chong-ham-iran-bi-my-vo-hieu-hoa-de-dang-khong-co-co-hoi-truoc-chien-ham-anh/817612.antd