Siêu tàu hộ vệ tàng hình Nga bộc lộ điểm yếu lớn khi bị cháy tại cảng

Siêu tàu hộ vệ tàng hình Nga - chiếc Provorny thuộc Dự án 20385 đã bị phá hủy hoàn toàn sau vụ cháy, cho thấy rõ nhược điểm của nó.

Tối 17/12, một đám cháy lớn bùng phát tại Nhà máy đóng tàu Severnaya Verf (thuộc Tập đoàn đóng tàu Thống nhất) ở St.Petersburg, phá hủy hoàn toàn siêu tàu hộ vệ tàng hình Nga - chiếc Provorny.

Tối 17/12, một đám cháy lớn bùng phát tại Nhà máy đóng tàu Severnaya Verf (thuộc Tập đoàn đóng tàu Thống nhất) ở St.Petersburg, phá hủy hoàn toàn siêu tàu hộ vệ tàng hình Nga - chiếc Provorny.

Theo thông báo, con tàu được chế tạo từ mùa hè năm 2013. Đây là chiến hạm thứ hai thuộc Dự án 20385 rất tiên tiến, nó dự kiến được bàn giao cho Hải quân Nga vào cuối năm 2022, nhưng kế hoạch trên đã không thành hiện thực.

Báo chí cho biết, tín hiệu khẩn cấp được đưa ra lúc 18h22' giờ Moskva. Ban đầu, có thông tin cho rằng phần thượng tầng của con tàu đã bốc cháy và diện tích cháy khoảng 400 m2. Sau đó đám cháy lan rộng trên diện tích 800 m2, chiếm phần lớn diện tích con tàu.

"Đây gần như là toàn bộ diện tích của tàu hộ vệ tên lửa Provorny", một nguồn tin giấu tên tại nhà máy đóng tàu Severnaya Verf nói với hãng thông tấn Nga Interfax.

Trong quá trình dập lửa, 160 người và 40 thiết bị đã tham gia, tuy nhiên có 3 người bị thương, 2 trong số đó là lính cứu hỏa. Tất cả mọi người đều nhập viện trong tình trạng bỏng với các mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Đồng thời kênh truyền hình Izvestia làm rõ rằng đám cháy xếp vào mức độ phức tạp cao nhất, được khoanh vùng trên diện tích khoảng 1.000 m2. Đến 9h18' ngày 18/12, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Sau đó thông qua đánh giá trực quan có thể dễ dàng xác định mức độ thiệt hại sau sự cố. Cụ thể, phần lớn cấu trúc thượng tầng của con tàu, từ mũi đến nhà chứa máy bay đã bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Đám cháy đã làm hư hỏng toàn bộ phần cabine chỉ huy và kết cấu cột tháp radar, bên cạnh đó rất nhiều mảnh vỡ rơi sâu vào trong thân tàu. Ngay cả các bệ phóng tên lửa cũng bị cháy rụi.

Lý do dẫn tới thảm họa nói trên đang được điều tra. Bộ Quốc phòng Nga đã mở một vụ án hình sự về việc vi phạm các quy tắc an toàn trong quá trình thực hiện công việc.

Tuy nhiên vấn đề đáng chú ý nhất là sau vụ việc, nhiều chuyên gia quân sự bắt đầu tỏ ý băn khoăn về tính khả thi của việc tiếp tục sử dụng composite sợi thủy tinh và các vật liệu dễ cháy khác trong quá trình chế tạo tàu chiến.

Vật liệu đặc biệt này vốn được sử dụng để giảm trọng lượng cũng như giảm tín hiệu phản xạ radar, mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng nó cũng có nhược điểm là độ bền vững thua xa so với thép chuyên dụng.

Trong trường hợp xảy ra xung đột, một con tàu như vậy sẽ bị vô hiệu hóa hiệu quả bởi loại đạn gây cháy đơn giản nhất, nó gần như không có khả năng sống sót kể cả khi đầu đạn tên lửa chưa phát nổ và đám cháy chỉ do nhiên liệu tồn dư trong quả đạn bắt lửa.

Bên cạnh đó, việc con tàu này được trang bị loại tên lửa "siêu sát thủ" nào hoàn toàn không quan trọng, bởi vì tất cả thủy thủ đoàn của nó vào thời khắc trên sẽ bận rộn với cuộc chiến sinh tồn.

Chưa rõ sau vụ cháy vừa xảy ra với tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Provorny thì Hải quân Nga có tiếp tục ủng hộ việc chế tạo chiến hạm bằng loại vật liệu phức hợp mới, hay sẽ lựa chọn quay lại dùng thép truyền thống.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sieu-tau-ho-ve-tang-hinh-nga-boc-lo-diem-yeu-lon-khi-bi-chay-tai-cang-post490383.antd