Siêu tăng T-90A Nga đã có màn thể hiện rất tốt tại Syria và thực tế trong vài ngày giao tranh vừa qua vẫn chưa phải chịu thiệt hại, tuy nhiên mới đây nó đã phải thúc thủ hoàn toàn trước tên lửa NLAW Ukraine trên chiến trường.
Trang Defense Express của Ukraine đã đăng tải một đoạn video ngắn, cho thấy một người lính mang theo quả NLAW đã bắn rất chính xác vào hông chiếc T-90A nằm bên vệ đường khiến nó bốc cháy ngay lập tức.
Đây chính là thiệt hại đầu tiên của xe tăng T-90A kể từ khi Nga đưa quân vào đất Ukraine hôm 24/2, và như vậy không dòng chiến xa nào của Moskva còn an toàn trước vũ khí chống tăng của đối phương, bởi trước đó nhiều xe T-72B3 cũng như T-80BVM đã bị bắn cháy.
Cú đánh được thực hiện thông qua tên lửa NLAW cho thấy đường bay trực tiếp của quả đạn vào hông xe, đánh đúng vị trí giáp mỏng và còn không được bảo vệ bởi giáp phản ứng nổ, cho nên việc chiếc T-90A bị phá hủy là đương nhiên.
Cần nói thêm đó là NLAW có hai chế độ bay, nó hoặc sẽ thực hiện cú đánh đột nóc thông qua thuật toán dự đoán điểm chạm hoặc bay thẳng vào mục tiêu trong trường hợp cần phải bắn khẩn cấp, không có thời gian kích hoạt kính ngắm điện tử.
Một chi tiết nữa cần quan tâm đó là dường như chiếc T-90A nói trên đang ở trạng thái bất động chứ không phải di chuyển, nhưng điều này cũng chẳng quan trọng nữa khi nó đã bị tiêu diệt thực sự.
Trong vài ngày giao tranh vừa qua, có khá nhiều xe tăng, thiết giáp bị Quân đội Nga bỏ lại ven đường, từ đó xuất hiện rất nhiều tranh cãi về điều này, dưới đây là hai luồng ý kiến chủ đạo.
Thứ nhất, một số nhà phân tích cho rằng Quân đội Nga thực hiện chiến thuật đánh thọc sâu, lấy tốc độ hành quân làm cốt lõi và sẵn sàng bỏ qua mọi mục tiêu nhỏ lẻ bên đường để tiến nhanh về địa điểm cần chiếm giữ.
Trong trường hợp đó, nếu xe bị phát sinh hỏng hóc hay hết nhiên liệu và chưa tiếp lại kịp thì kíp xe sẽ bỏ lại dọc đường nhằm duy trì tốc độ hành quân, tốp hậu cần đi phía sau sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa và thu hồi.
Nhưng bên cạnh đó có ý kiến khác cho rằng một số mũi tiến công của Nga đã tiến quá nhanh, do trinh sát kém hoặc không nắm được đầy đủ tình hình bố phòng của Quân đội Ukraine đã đi lạc hoặc rơi vào tình trạng bị phục kích.
Khi đó, binh sĩ sẽ phải đối diện tình trạng chiến đấu đơn độc giữa vòng vây đối phương mà không thể trông chờ sự trợ giúp của đồng đội, chính vì vậy lựa chọn sẽ là bỏ xe lại rồi tìm cách đi bằng đường bộ, luồn lách qua những con phố, cánh rừng hay đầm lầy để trở về.
Nếu nhận định trên là chính xác thì cũng làm phát sinh câu hỏi nữa đó là tại sao binh sĩ Ukraine không thu hồi xe để tái sử dụng nhằm chống lại chính quân Nga, nguyên nhân được giải thích là vận hành những phương tiện này không đơn giản.
Một người lính bình thường không thể có đủ khả năng vận hành phương tiện chiến đấu phức tạp như xe tăng, họ cũng chẳng thể chờ người khác đến để tiếp nhận chiến lợi phẩm khi quân Nga sẽ tiến tới đó bất cứ khi nào .
Chính vì vậy, giải pháp hủy xe của đối phương là lựa chọn có thể chấp nhận được khi vừa gây ra thiệt hại về vật chất vừa tạo niềm tin nhiều hơn vào vũ khí có trong tay mình.
Bạch Dương