Siêu tăng T-14 Armata rầm rập lăn bánh trên Quảng trường Đỏ dịp 9-5

Sở hữu dàn khí tài 'khủng' cùng cấu tạo hiện đại và kiên cố, xe tăng Armata T-14 của Nga được gọi với danh hiệu 'bất khả chiến bại' nhờ khả năng chống chọi mọi đòn tấn công đồng thời tung ra hỏa lực sấm sét giáng trả đối phương.

Dù ra mắt đã 3 năm nhưng cho tới nay siêu tăng T-14 Armata vẫn chưa hết sức nóng, mỗi lần sự xuất hiện của dòng xe tăng này lại gây chú ý cho giới phương Tây. Một lần nữa siêu tăng T-14 Armata rầm rập lăn bánh trên Quảng trường Đỏ dịp 9-5 hôm nay.

Xe tăng Armata T-14 do công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Nó chính thức được giới thiệu tới công chúng nhân dịp lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2015.

T-14 có trọng lượng 49 tấn, chiều dài 10m, chiều rộng 3,5m, chiều cao 3,3m.

T-14 được trang bị động cơ diesel tăng áp A-85-3A với công suất 1.500 mã lực cho có tốc độ tối đa 80km/h. Đây là dòng xe tăng có vận tốc lớn nhất thế giới hiện nay.

Tầm hoạt động của xe tăng lên tới 500km. Nếu trang bị thùng xăng phụ tầm hoạt động có thể tăng lên tới 650km.

T-14 được trang bị pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ 125mm có khả năng phóng tên lửa dẫn đường bằng laser 3UBK21 Sprinter có thể bay xa 12km.

Theo Business Insider, Nga có thể sẽ sử dụng pháo 2A83 152mm trên T-14 trong tương lai. Vũ khí này có thể phá hủy lớp thép dày tới 1m.

Khẩu pháo 125 mm được trang bị trên một tháp pháo không người lái ở trung tâm của thân xe tăng T-14, được nạp đạn bằng hệ thống tự động. Pháo có thể bắn 12 viên/ phút với nhiều loại đạn, gồm đạn xuyên giáp và pháo dẫn đường.

Ngoài ra, T-14 còn được trang bị súng máy Kord 12,7mm được điều khiển tự động và 1 khẩu súng máy đồng trục PKTM 7,62mm.

Một xe tăng T-14 được chia làm 3 phần gồm khu vực điều khiển ở phía trước, tháp pháo ở giữa và hệ thống năng lượng ở phía sau.

Phần trước và phần sau của xe tăng được bọc những lớp áo giáp thép mạnh mẽ, “bất khả xâm phạm”.

Kíp điều khiển xe tăng chỉ còn 3 người thay vì 4 như các phiên bản trước đó.

Bên cạnh đó, T-14 còn được trang bị lớp giáp phản ứng nổ (ERA) Malachit, có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn chống tăng hiện tại.

Dĩ nhiên T-14 cũng có khả năng tự bảo vệ chống lại các loại vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học.

T-14 được trang bị Hệ thống Phòng thủ Chủ động Afganit gồm hai cơ chế phòng thủ cứng và mềm nhờ radar mảng pha chủ động (AESA) sóng mm tiên tiến giúp nó bao quát xung quanh và cảnh báo khi bị tên lửa tấn công.

Cơ chế "phòng thủ mềm" được sử dụng để đánh lừa tên lửa. Ngay sau khi radar AESA phát hiện tên lửa đang bay tới, 4 quả lựu đạn khói đa quang phổ lập tức được phóng ra, tạo thành một bức màn khói dày đặc che phủ xe tăng, giúp nó che giấu tín hiệu hồng ngoại và vô hiệu hóa các thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng radar và laser.

Bị màn khói dày đặc này che mắt, xạ thủ điều khiển tên lửa chống tăng dẫn đường bằng quang học sẽ rất dễ bắn trượt mục tiêu.

Việc radar phát hiện tên lửa từ sớm cũng giúp kíp lái có thêm thời gian để cơ động đến vị trí an toàn.

ơ chế "phòng thủ cứng" dùng để vô hiệu hóa các tên lửa tấn công bất ngờ. Hệ thống radar Afganit tự động điều khiển tháp pháo hướng về phía tên lửa để 5 ống phóng mỗi bên phóng rocket diệt mục tiêu đang tiếp cận.

Hệ thống Afganit tuy chưa được thử nghiệm trong thực chiến nhưng các hệ thống phòng thủ cứng khác như Trophy của Israel đã tỏ ra hiệu quả trong đối phó tên lửa.

Với những tính năng chiến đấu tuyệt vời như vậy, T-14 Armata được coi là "vua tăng" hiện nay trên thế giới.

Đứng trước sức mạnh của T-14, các nước phương Tây cũng rục rịch tăng cường hoặc thiết kế mới các mẫu tăng của mình nhằm đối trọng với Nga.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-sieu-tang-t14-armata-ram-rap-lan-banh-tren-quang-truong-do-dip-95/767131.antd