Siêu pháo Mỹ bắn tới Moscow: Lỗi thời, ngược xu thế

Chuyên gia Nga không đánh giá cao ý tưởng chế tạo pháo tấn công chiến lược tầm xa - Strategic Long Range Cannon (SLRC) của Mỹ.

Mới đây, tạp chí Mỹ Popular Mechanics tiết lộ rằng, loại pháo tấn công chiến lược tầm xa - Strategic Long Range Cannon (SLRC) mà quân đội Mỹ đang chuẩn bị đưa vào sử dụng có tầm bắn xa tới ngàn dặm, có thể đứng từ vùng bờ biển rất xa bắn phá thủ đô Moscow của Nga.

Lục quân Mỹ xếp hạng loạt pháo mới vào loại có tầm bắn "xa ngàn dặm" (theo một số thông tin, tầm bắn xa nhất của nó là trên 1.600 km), xa hơn rất nhiều loại tên lửa hiện nay của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Tầm bắn của pháo tầm xa chiến lược nằm giữa tên lửa tấn công chính xác và tên lửa siêu thanh. Với khẩu pháo mới, lục quân Mỹ có thể tấn công các mục tiêu như căn cứ, mạng lưới hậu cần và căn cứ không quân đối phương - trước đây là trách nhiệm của các máy bay và tên lửa của không quân và hải quân Mỹ.

Tạp chí này đưa ra giả thuyết rằng với sự xuất hiện của SLRC ở Mỹ, một lớp tàu chiến cỡ lớn cũng có thể được hồi sinh, tương tự như các thiết giáp hạm kiểu Montana suýt nữa thì được chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới II.

"Từ Biển Bắc, Montana mới có thể bắn vào các mục tiêu ở phía tây nước Nga và thậm chí tới cả Moscow. Một chiếc Montana ở Ấn Độ Dương có thể nhằm vào phần lớn lãnh thổ các nước như Pakistan, Afghanistan, Iran, Yemen và Somalia. Ở Thái Bình Dương, Montana có thể nằm an toàn phía sau Nhật Bản mà bao trùm lưới lửa khắp cả Bắc Triều Tiên, thậm chí bắn đến cả Bắc Kinh và Thượng Hải" - tạp chí Mỹ khoe khoang.

Được biết, dự án chế tạo loại vũ khí triển vọng Strategic Long Range Cannon (SLRC, tức “Pháo tầm xa chiến lược”) được Mỹ giới thiệu vào năm 2019. Nguyên mẫu của nó được đặt tại khu huấn luyện quân sự Yuma ở bang Arizona – nơi mà một loạt thử nghiệm sẽ được thực hiện tại đây cho đến năm 2023.

Với sự trợ giúp của siêu đại bác này, quân đội Mỹ dự định sẽ đột phá hệ thống phòng thủ của đối phương để mở đường cho lực lượng bộ binh tiến công. Cứ điểm để đại bác nhả đạn sẽ là những vị trí "chiến lược" mà kẻ địch không thể tiếp cận được để tấn công trả đũa.

Theo các chuyên gia được Popular Mechanics dẫn lời, mục tiêu tiềm năng của loại pháo tấn công mới có tầm bắn siêu xa này có thể là các mục tiêu ở Nga hoặc Trung Quốc. Không loại trừ người Mỹ sẽ triển khai loại siêu đại bác này ở Ba Lan, các nước Baltic hoặc Hàn Quốc.

Pháo SLRC có thể đặt trên các siêu chiến hạm hay tác chiến trên mặt đất

Pháo SLRC có thể đặt trên các siêu chiến hạm hay tác chiến trên mặt đất

Nga: Mỹ chế tạo loại vũ khí lỗi thời

Theo chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, dự án SLRC không gì khác hơn là cố gắng tạo ra một loại vũ khí có giá thành rẻ đến mức tối đa, tương tự như các hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander và Tochka-U của Nga (tiếng Nga viết tắt là OTRK).

Loại pháo đa cỡ nòng quân đội Mỹ đang trang bị hiện nay dựa trên hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS, tỏ ra kém thế hơn đáng kể so với các vũ khí Liên Xô/Nga về tầm bắn và độ chính xác.

Cũng bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Vladimir Prokhvatilov tại Học viện Khoa học Quân sự Nga, cho biết trong bình luận với NSN rằng, "siêu pháo ngàn dặm" mới mà Mỹ đang chế tạo, sẽ là vũ khí kém hiệu quả và lỗi thời, đi ngược lại xu thế của chiến tranh hiện đại.

Ông Prokhvatilov lưu ý rằng, loại vũ khí thần kỳ như vậy không hiệu quả trong thời đại mà việc sử dụng các hệ thống vũ khí tự động đã bắt đầu. Loại vũ khí mới của Mỹ rất có thể sẽ phóng đạn tên lửa chủ động, chứ không phải đạn chứa thuốc súng thông thường.

Đồng thời, ông Prokhvatilov nhấn mạnh rằng, bản thân vũ khí này sẽ quá cồng kềnh, khi bắn ra sẽ dễ bị phát hiện và bị tiêu diệt [theo thông tin rò rỉ của Mỹ, SLRC là hệ thống pháo cực lớn đặt trên một chiếc xe kéo có ít nhất sáu bánh, được kéo bởi một chiếc xe tải hạng nặng tám bánh, mỗi khẩu pháo đòi hỏi tám binh sĩ vận hành].

Theo ông, trong vấn đề này, Mỹ kém xa Nga. Tất cả những dự án này đều có mục tiêu là lấy tiền ngân sách và chúng đều không hiệu quả. Mỹ cho rằng vũ khí như vậy có thể từ Ba Lan bắn tới Moscow, còn Nga từ lâu đã có tên lửa Iskander ở Kaliningrad có tầm xa tới các thủ đô các nước châu Âu. Như vậy, Nga luôn đi trước Mỹ một bước dài.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/sieu-phao-my-ban-toi-moscow-loi-thoi-nguoc-xu-the-3420939/