Siêu máy bơm bị 'xoay vần'

Chậm lập hợp đồng, chậm đánh giá kết quả, chậm chốt giá thuê, máy bơm khủng của Tập đoàn Quang Trung liên tục bị 'xoay vần', chưa tìm thấy đường ra.

Hệ thống máy bơm khủng chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: Ngọc Dương

Liên tục chậm trễ

Ngày 4.7, Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã có văn bản gửi Trung tâm Điều hành Chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập) đề nghị sớm công bố giá dịch vụ thuê máy bơm chống ngập khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và thông báo máy bơm có thể ngưng hoạt động bất cứ lúc nào.

[VIDEO] Ký hợp đồng dịch vụ thuê siêu máy bơm đường Nguyễn Hữu Cảnh - Video tư liệu

Lý do, kết thúc 45 ngày (từ ngày ký hợp đồng thuê máy bơm 19.4), Trung tâm chống ngập không cung cấp giá phê duyệt dịch vụ thuê máy bơm "khủng" theo đúng thỏa thuận. Dù chủ đầu tư đã quyết định vận hành máy bơm tự nguyện thêm 30 ngày nhằm chờ phản hồi từ phía thành phố nhưng đến giờ, khi doanh nghiệp đã không còn đủ chi phí để tiếp tục duy trì thì phía Trung tâm chống ngập vẫn hoàn toàn "im hơi lặng tiếng", không có một văn bản hay thông báo gì đến công ty.

Thậm chí, sau khi văn bản của Tập đoàn Quang Trung đã gửi đi được một ngày, đại diện Trung tâm chống ngập vẫn khẳng định chưa nghe được thông tin máy bơm sẽ ngưng hoạt động, hiện vẫn bơm bình thường.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu "siêu" máy bơm của Tập đoàn Quang Trung rơi vào hoàn cảnh long đong, bị "xoay vần" như thế này.

Trước đó, từ đầu năm 2018, do tính chất cấp thiết việc triển khai giải pháp chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, UBND TP.HCM đã yêu cầu Trung tâm chống ngập chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của các sở ngành và các đơn vị liên quan để thống nhất và hoàn chỉnh dự thảo hợp đồng thuê máy bơm thông minh của Tập đoàn Quang Trung để chống ngập trên tuyến đường này, báo cáo Thường trực UBND TP thông qua chậm nhất trong đầu tháng 2.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, khi liên hệ với ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Công ty Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, ông cho biết doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì từ phía TP về việc có thuê máy bơm hay không, hình thức thuê như thế nào.

[VIDEO] “Siêu máy bơm” thất thủ vì gạch đá, chủ đầu tư nghi do phá hoại - Video tư liệu

“Trao đổi với Trung tâm chống ngập thì được biết đơn vị này đã gửi văn bản xin ý kiến các sở liên quan nhưng mới chỉ có Sở Tài chính phản hồi, còn nhiều thủ tục vướng mắc và quan trọng nhất là đang chờ ý kiến góp ý từ phía Sở GTVT để hoàn thành bản dự thảo hợp đồng nhưng đã 2 lần gửi văn bản vẫn chưa có hồi đáp”, ông Cường cho biết. Đặt vấn đề này với đại diện Phòng Cấp thoát nước Sở GTVT, vị này khẳng định chưa nhận được văn bản xin góp ý từ phía Trung tâm chống ngập.

Thiếu chuyên nghiệp!

Nguồn tin riêng của Thanh Niên cho biết lý do đến giờ mức giá thuê dịch vụ máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn chưa "ngã ngũ" là do phía doanh nghiệp đề xuất mức giá quá cao, UBND TP đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu để đưa ra mức giá hợp lý hơn.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM đánh giá dù với bất cứ lý do gì thì việc Trung tâm chống ngập đến thời hạn không có thông báo đến chủ đầu tư thể hiện cách làm việc quá thiếu chuyên nghiệp. Dù có những yếu tố gì bên trong, khúc mắc chỗ nào thì thành phố cũng cần có trách nhiệm đưa thông tin rõ ràng. Theo ông, cả nước đang bước sang nền kinh tế thị trường, thuận mua vừa bán, thành phố thuê hay không thuê, trả tiền hay không trả tiền, trả bao nhiêu, trả như thế nào thì đến hẹn cũng phải trả lời cho doanh nghiệp biết. Kể cả thành phố chưa tính toán được giá hợp lý cũng cần phải có thông báo gia hạn.

"Người dân thiếu mấy ngày tiền điện, tiền nước thôi là sẽ lập tức bị nhắc nhở, không đóng tự động cắt cái rụp, người dân cũng không có quyền phản ứng lại. Trong khi với doanh nghiệp lại lần lữa, ỡm ờ như vậy là không sòng phẳng" - ông Hòa nói thẳng.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) cho rằng hợp đồng là nguyên tắc pháp lý ra đời dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên. Dù thành phố có đồng ý hay không với mức giá của chủ đầu tư đưa ra thì cũng phải trả lời thẳng thắn. Trong trường hợp này, Trung tâm chống ngập là đơn vị được giao chủ trì tham mưu cho thành phố thì phải có trách nhiệm chủ động làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để nhanh chóng đưa ra được con số hợp lý. Sau đó chủ động làm việc, thỏa thuận lại với bên đối tác nếu cho rằng mức giá quá cao. Ngay cả về chất lượng công trình, quá trình vận hành còn ngập nguyên nhân do đâu, lỗi tại ai cũng cần tất cả các bên ngồi lại với nhau để sớm đưa ra kết luận, tìm phương án khắc phục nhanh chóng, mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết ngập cho người dân.

[VIDEO] Đề xuất "siêu máy bơm" trên đường Phan Huy Ích: Không hết ngập không lấy tiền - Video tư liệu

"Không chỉ thiếu chuyên nghiệp, sự việc này còn thể hiện rõ một bộ máy quá ì ạch, không tâm huyết. Trung tâm chống ngập không làm tròn trách nhiệm, ngay cả nguyên nhân vì sao đường ngập cũng tìm mãi không ra. Năng lực của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cũng cần xem xét lại khi hơn 2 tháng không tính toán được mức giá thuê máy bơm, dù đã có giá của chủ đầu tư đề xuất để làm cơ sở. Nói như đúng lời của đồng chí Tổng bí thư, không làm được thì để người khác làm. UBND TP đang phụ thuộc vào bộ máy tham mưu quá trì trệ" - luật sư Hậu nêu ý kiến.

Ông cũng nhấn mạnh sự trậm trễ trên sẽ làm mất uy tín của thành phố, khiến các nhà đầu tư muốn tham gia xã hội hóa cũng gặp tâm lý e ngại. Như vậy sẽ rất khó khăn để thu hút vốn tư nhân cùng chung tay xây dựng các công trình, dự án góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của TP.HCM, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp như hiện nay.

Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/sieu-may-bom-bi-xoay-van-980429.html