Siêu máy bay ném bom 'B-21 made in China' có gì đặc sắc?

Trung Quốc đang phát triển siêu máy bay ném bom tương tự B-21 của Mỹ, nhưng sẽ 'về đích' trước bằng việc hoàn thành chuyến bay đầu tiên cuối 2021 hoặc đầu 2022.

Theo Sina, Công ty TNHH Công nghệ Thông minh Zhongtian Feilong (Tây An) thông báo rằng, nguyên mẫu đầu tiên của máy bay ném bom tàng hình không người lái Feilong-2 (Phi Long-2) do công ty này phát triển đã được hoàn thành và bước vào giai đoạn thử nghiệm.

Tốc độ bay, bán kính chiến đấu, khả năng chứa đạn và khả năng tàng hình của máy bay này “gần với” máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider đang được Quân đội Mỹ phát triển, nhưng sẽ vượt Mỹ về khả năng thương mại hóa và thời gian bay.

Mô hình UAV Feilong-2 trong buổi trưng bày năm 2018. Nguồn: Sina.

Mô hình UAV Feilong-2 trong buổi trưng bày năm 2018. Nguồn: Sina.

Theo tin tức được công bố bởi tài khoản WeChat chính thức của Zhongtian Feilong, nguyên mẫu đầu tiên của máy bay ném bom tàng hình không người lái Feilong-2 do công ty phát triển đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất gần đây, đánh dấu sự phát triển của Feilong-2.

Theo báo cáo, UAV ném bom tàng hình Feilong-2 sử dụng thiết kế cánh bay không đuôi, cửa hút gió và khoang chứa bom được thiết kế tích hợp, hơn 90% máy bay sử dụng vật liệu composite, toàn bộ máy bay cũng được phủ lớp sơn hấp thụ radar mới để tăng khả năng tàng hình.

Các ăng-ten sử dụng công nghệ chọn lọc tần số (FSS) và thiết bị trinh sát quang học được tích hợp với cấu trúc thân máy. Radar chủ động của Feilong-2 sử dụng một băng thông rộng và hệ thống làm việc nhảy tần để giảm xác suất đánh chặn, động cơ máy bay sử dụng hai vòi phun vector, được làm mát bằng khí lạnh, giúp giảm đáng kể cường độ bức xạ hồng ngoại.

UAV Feilong-2 được trang bị nhiều loại radar quang học, chủ động và thụ động, có thể phát hiện và tự động xác định các mục tiêu khác nhau trên chiến trường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt 24/24.

Nó có thể mang nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác để tấn công các mục tiêu quan trọng trên chiến trường như trung tâm chỉ huy, trạm radar cảnh báo sớm, hệ thống phòng không, sân bay quân sự, tàu sân bay và các cứ điểm tập kết lực lượng.

Ngoài ra, Feilong-2 còn có thể được sử dụng như một “máy bay yểm trợ trung thành” của máy bay tàng hình có người lái để điều phối các nhiệm vụ chiến thuật phức tạp, đồng thời nó cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công tự động theo các chiến lược định sẵn.

Nó cũng có thể mang theo một số lượng lớn UAV "bầy đàn" để thực hiện trinh sát, gây nhiễu/chế áp điện tử, tấn công cảm tử và tiêu diệt hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương.

Theo giới thiệu chính thức, máy bay ném bom tàng hình Feilong-2 có ngoại hình tương tự với máy bay ném bom tàng hình B-21 đang được quân đội Mỹ phát triển và sẽ hoàn thành chuyến bay đầu tiên trước máy bay B-21. Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi rằng, tại sao phiên bản “B-21 made in China” được phát triển sau lại “về đích” trước Mỹ?

Siêu máy bay ném bom B-21 của Mỹ. Nguồn: Sina.

Công ty TNHH Công nghệ Thông minh Zhongtian Feilong (Tây An) được thành lập vào năm 2009, công ty này là một đơn vị quan trọng trong lĩnh vực UAV trực thuộc Zhongtian.

Công ty chủ yếu tham gia vào lĩnh vực chế tạo máy bay tấn công không người lái, máy bay không người lái chiến thuật. Tiêu chí đặt ra cho công ty là "dẫn đầu trong lĩnh vực máy bay không người lái thương mại quân sự của Trung Quốc".

Được biết, chuyến bay đầu tiên của dòng máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới của Mỹ là B-21 Raider dự kiến sẽ diễn ra vào giữa năm 2022, điều này có nghĩa là Feilong-2 sẽ tiến hành chuyến bay đầu tiên trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

B-21 Raider là máy bay ném bom tàng hình chiến lược hạng nặng liên lục địa đang được Tập đoàn Northrop Grumman phát triển cho Không quân Mỹ theo chương trình Máy bay Ném bom Tấn công Tầm xa (Long Range Strike Bomber - LRS-B), có thể được tích hợp vũ khí thông thường và nhiệt hạch.

Khi đi vào hoạt động vào năm 2025, máy bay này sẽ bổ sung và sau đó thay thế các máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer (dự kiến loại biên vào năm 2036), Northrop Grumman B-2 Spirit (dự kiến loại biên vào năm 2032), và Boeing B-52 Stratofortress (dự kiến loại biên vào năm 2040).

B-21 sử dụng cơ cấu khí động học cánh bay, tương tự như B-2 Spirit. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt - động cơ của B-21 nằm khoảng gần thân hơn nơi nối cánh và thân máy, còn động cơ kép của B-2 được bố trí chủ yếu nằm ở phần cánh; cửa hút khí của động cơ B-21 không có vành khuyết răng cưa; phần khí thải sau động cơ được bảo vệ tốt hơn nên không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tàng hình trong dải sóng hồng ngoại.

Vũ khí phi hạt nhân của B-21 gồm có các tên lửa hành trình không đối đất (Joint Air-to-Surface Standoff Missile - JASSM-ER) và bom GBU-31 dẫn đường bằng GPS, bom đâm xuyên có lái dẫn (Massive Ordnance Penetrator - MOP) GBU-57A/B, có khả năng phá hủy các tầng bê tông cốt thép ở độ sâu 19m và mặt đất 61m.

Không quân Mỹ dự định lắp đặt 2 bệ phóng tên lửa loại xoay tròn (Advanced Applications Rotary Launcher - AARL), có khả năng chứa 8 tên lửa hành trình mỗi bệ. Vũ khí hạt nhân tích hợp cho B-21 có thể gồm tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa (The Long Range Stand Off - LRSO) thế hệ mới nhất và bom nhiệt hạch có lái dẫn B61-12.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/sieu-may-bay-nem-bom-b-21-made-in-china-co-gi-dac-sac-282415.html