Siêu máy bay khổng lồ bằng gỗ nặng 135 tấn, tốn nửa tỷ USD và chỉ bay một lần của Mỹ

Vận tải cơ H-4 Hercules chủ yếu làm bằng gỗ, nặng tới 135 tấn và người ta phải mất tới 5 năm để phát triển, nhưng chỉ thực hiện đúng một chuyến bay ngắn và bị đắp chiếu ngay sau đó.

Tàu ngầm Đức luôn là nỗi kinh hoàng với phe Đồng minh, khi những "sát thủ trong lòng biển" này đánh chìm 2.825 tàu hàng và 175 tàu chiến tại Đại Tây Dương chỉ trong năm 1942.

Tàu ngầm Đức luôn là nỗi kinh hoàng với phe Đồng minh, khi những "sát thủ trong lòng biển" này đánh chìm 2.825 tàu hàng và 175 tàu chiến tại Đại Tây Dương chỉ trong năm 1942.

Trước tình cảnh này, Bộ Chiến tranh Mỹ muốn biên chế mẫu máy bay vận tải mới để giúp vận chuyển hàng triệu quân nhân và trang bị bằng đường không qua quãng đường hơn 4.800 km tới Anh tham chiến, nhằm tránh các cuộc phục kích của tàu ngầm Đức.

Vào thời điểm đó, Mỹ chỉ có vài mẫu vận tải cơ đủ sức bay xuyên Đại Tây Dương, nhưng chúng không thể chở vũ khí hạng nặng như xe tăng M4 Sherman nặng 30 tấn.

Nhà tư bản công nghiệp Mỹ Henry Kaiser nảy ra ý tưởng về một phương tiện bay khổng lồ và tìm đến kỹ sư Howard Hughes nhờ thiết kế.

Quân đội Mỹ ban đầu phản đối, lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho các chương trình có ưu tiên cao hơn. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ quyết định vẫn để dự án được tiến hành.

Hughes và Kaiser sau đó thiết kế phi cơ mang định danh HK-1 Hercules với trọng tải 68 tấn, tương đương hai xe tăng M4 Sherman hoặc 750 binh sĩ trang bị đầy đủ. Dù hợp đồng được ký năm 1942 có điều khoản chế tạo ba chiếc trong vòng hai năm, việc chế tạo chỉ bắt đầu sau 16 tháng do thiếu vật liệu.

Đến lúc này, tàu ngầm Đức không còn là mối đe dọa ở Đại Tây Dương và Mỹ cũng không cần vận tải cơ hạng nặng. Tuy nhiên, dự án vẫn được tiếp tục. Tình trạng khan hiếm kim loại buộc các nhà thiết kế sử dụng gỗ, chủ yếu từ cây phong và tùng, để chế tạo máy bay.

Tiến độ chế tạo máy bay diễn ra rất chậm do chính phủ Mỹ không đáp ứng kịp nhu cầu tài chính của dự án. Việc Hughes đòi hỏi thiết kế phải hoàn hảo cũng là một nguyên nhân gây chậm trễ, bởi ông thường đột ngột thay đổi những chi tiết nhỏ nhất như cấu trúc ghế ngồi hay cách bố trí bảng điều khiển.

Kaiser rút khỏi dự án vào năm 1944 do thất vọng với tiến độ chậm chạp. Huges tiếp tục thực hiện công việc, đổi tên mẫu máy bay từ HK-1 thành H-4 Hercules.

Chính phủ Mỹ sau đó quyết định dừng dự án, nhưng nhờ nỗ lực vận động hành lang của Hughes, Washington đồng ý rót vốn để chế tạo một chiếc thay vì ba phi cơ như hợp đồng ban đầu. Hai năm sau, mọi bộ phận của chiếc Hercules được chuyển đến địa điểm lắp ráp tại bang California.

Dự án kéo dài đến năm 1947, hai năm sau khi Thế chiến II kết thúc. Chính phủ Mỹ tiêu tốn 22 triệu USD, trong khi Hughes chi thêm gần 18 triệu USD để hoàn thành nó sau khi Washington chấm dứt hợp đồng. Tổng số tiền chi cho dự án tương đương 455,6 triệu USD theo tỷ giá hiện nay.

Máy bay được thiết kế để chở 70.000 kg hàng hóa, 750 người lính hoặc hai chiếc xe tăng Sherman 30 tấn. Với trọng lượng hơn 135.000 kg và sải cánh dài 97, 5m, đây là máy bay lớn nhất từng được sản xuất tính đến thời điểm đó.

Ngày 2/11/1947, chiếc H-4 Hercules thử nghiệm chạy trên mặt biển trước sự chứng kiến của báo chí. Tổ lái gồm Hughes ở vị trí phi công điều khiển, một phi công phụ, hai chuyên viên cơ giới trên không, 16 thợ máy và hai kỹ thuật viên. Nhiều phóng viên và đại diện ngành công nghiệp hàng không cũng xuất hiện, tổng cộng 36 người có mặt trên máy bay trong chuyến bay thử.

Phi cơ chạy thử ba lần, cất cánh thành công trong lần thứ ba và đạt độ cao 21 m so với mực nước biển. Chuyến bay kéo dài 26 giây trên quãng đường 1,6 km, máy bay đạt tốc độ 217 km/h. Đây là lần duy nhất siêu vận tải cơ H-4 cất cánh, trọng tải và trần bay của nó không bao giờ được thử nghiệm.

Máy bay sau đó được đưa vào niêm cất trong một nhà chứa có điều hòa với lực lượng kỹ thuật gồm 300 người.

Con số này giảm còn 50 người vào năm 1962, trước khi nhóm kỹ thuật viên được giải tán sau khi Hughes qua đời năm 1976. Chiếc H-4 Hercules sau đó được đưa vào viện bảo tàng.

Với chuyến bay ngắn ngủi cuối năm 1947, H-4 trở thành phi cơ có sải cánh lớn nhất từng bay trên không.

Kỷ lục về chiều dài và trọng tải của nó chỉ bị phá vỡ năm 1985 khi vận tải cơ Antonov An-225 của Liên Xô ra đời. Tuy nhiên, nó vẫn giữ kỷ lục về sải cánh cho đến ngày 13/4/2019, thời điểm máy bay Stratolaunch cất cánh lần đầu.

Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/sieu-may-bay-khong-lo-bang-go-nang-135-tan-ton-nua-ty-usd-va-chi-bay-mot-lan-cua-my/20200316044105191