Siêu hạm Zumwalt phải thay động cơ khi chưa kịp trang bị

Siêu hạm USS Michael Monsoor chiếc Zumwalt thứ 2 của Hải quân Mỹ vừa phải thay động cơ và tiếp tục bước vào giai đoạn thử nghiệm.

Trang USNI News dẫn nguồn tin Hải quân Mỹ cho biết, siêu hạm USS Michael Monsoor đã hoàn thành việc thay thế động cơ Rolls Royce MT30 và rời nhà máy tại Maine hôm 9/11. Chiếc tàu sẽ thực hiện hải hành trình trên sông Kennebec để đến Đại Tây Dương và sẽ tiếp tục các cuộc thử nghiệm trên biển vào tháng 1/2019.

Chiếc Zumwalt thứ 2 của Hải quân Mỹ phải đưa vào nhà máy từ hồi tháng 4/2018 do hỏng động cơ trong quá trình thử nghiệm.

Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ William Galinis chia sẻ: "Thật đáng tiếc, trong cuộc thử nghiệm cuối trước khi chính thức được trang bị, chúng tôi phát hiện ra lỗi tại 1 trong những động cơ tuốc bin khí chính, động cơ này chịu trách nhiệm vận hành 1 trong những máy phát điện chính. Chúng tôi buộc phải thay thế. Hiện nay, quá trình thay thế đã hoàn thành và con tàu tiếp tục quá trình thử nghiệm của mình".

Không chỉ phải thay động cơ, chuyên gia quân sự người Nga, Viktor Baranets còn dội thêm gáo nước lạnh vào Hải quân Mỹ khi tuyên bố rằng việc Mỹ khẳng định USS Michael Monsoor có khả năng vô hình là điều "lố bịch". Mỹ đã chi tới 4,4 tỷ USD cho 1 chiếc tàu khu trục. Trong khi đó, 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia loại mới nhất có chi phí 2,2 tỷ USD. Như vậy, Mỹ đã dùng nguồn ngân sách dành cho 2 tàu ngầm hạt nhân để đóng 1 tàu khu trục Zumwalt.

Người Mỹ thích những dự án hoành tráng mà đôi lúc vượt khỏi lý trí. Vị chuyên gia Nga đồng thời nhấn mạnh rằng, công nghệ tàng hình của USS Michael Monsoor về cơ bản không đủ làm suy yếu khả năng phát hiện tàu đối phương của những cường quốc quân sự lớn.

Baranets nói về khả năng tàng hình của siêu hạm Mỹ rằng, chẳng qua đó chỉ là một câu chuyện cổ tích dành cho những kẻ khù khờ. "Với khả năng của những loại vũ khí sử dụng hệ thống trinh sát trên không và trong không gian hiện nay, kết hợp với khả năng của các UAV, cỗ máy khổng lồ này không còn là mục tiêu khó phát hiện trên mặt biển", ông Baranets nói.

Trong khi đó, Mikhail Lukanin - một chuyên gia phân tích quân sự khác nhận định rằng, USS Michael Monsoor là mẫu tàu thú vị với nhiều giải pháp sáng tạo, song, năng lực chiến đấu của nó vẫn là một dấu hỏi. Thực chất, đây chỉ là một siêu máy tính nổi mang tên lửa, không thể làm thay đổi cán cân lực lượng.

Cũng theo Lukanin, với mức chi phí 4,4 tỷ USD cho USS Michael Monsoor, Mỹ có thể đóng thêm 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke được vũ trang mạnh hơn. Nếu USS Michael Monsoor có 80 ống phóng thì Arleigh Burke có tới 96 ống phóng tên lửa. Ngoài ra, theo vị chuyên gia, công nghệ tàng hình được tung hô trên chiếc tàu mới "thực ra đã trở nên khá phổ biến, thậm chí còn được ứng dụng trên các tàu chiến Nga với lượng giãn nước nhỏ hơn".

Trong khi coi thường về khả năng tàng hình và chê Mỹ đốt tiền một cách thiếu hiệu quả cho chiến hạm USS Michael Monsoor, một tạp chí khác là Russia & India Report (RIR) dẫn phân tích của chuyên gia Kazianis Harry rằng chiến hạm thế hệ mới này của Mỹ chỉ mạnh về dàn vũ khí tấn công thế hệ mới, trong khi lại không mạnh về phòng thủ. Vì vậy, lớp tàu này gần như không thể độc lập tác chiến mà phải nhờ vào sự bảo vệ của tàu khu trục Arleigh Burke. (Hòa Bình)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/sieu-ham-zumwalt-phai-thay-dong-co-khi-chua-kip-trang-bi-3369192/