Siêu hạm Zumwalt ngất trong lần đầu hành quân

Trong chuyến ra biển thử nghiệm đầu tiên, siêu hạm USS Michael Monsoor - chiếc thứ 2 thuộc lớp Zumwalt đã bất ngờ mất điện khiến con tàu phải dừng hoạt động.

Thông tin về vụ việc này được trang Military ngày 8/12 dẫn nguồn tin Hải quân Mỹ cho biết, khu trục hạm tàng hình USS Michael Monsoor mới đây phải cắt ngắn thời gian chạy thử nghiệm trên biển do gặp một sự cố về hệ thống điện.

Nguồn tin tiết lộ, một cuộn cảm của tàu đã bị hỏng khiến quá trình thử nghiệm và kiểm tra hệ thống điện và động cơ của USS Michael Monsoor không thể thực hiện đúng quy trình. Các kỹ sư đã phát hiện sự cố vào ngày 5/12, một ngày sau khi tàu rời xưởng Bath Iron Works để chạy thử nghiệm lần đầu trên biển.

Dù đây được coi là sự cố khá nghiêm trọng như nhà sản xuất và Hải quân Mỹ đều cho biết, việc khắc phục sự cố này không quá khó khăn nhưng có thể ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao USS Michael Monsoor cho hải quân vào tháng 3/2018.

Được biết, bóng ma chết máy đã ám ảnh từ chiếc Zumwalt đầu tiên là USS Zumwalt cho đến chiếc thứ 2 USS Michael Monsoor khiến Hải quân Mỹ mất mặt. Theo Navy Times, tối 21/11/2016 trong khi đang di chuyển qua kênh đào Panama, trên đường tới cảng nhà mới ở San Diego thì bát ngờ chết máy. Mọi nỗ lực khởi động lại động cơ của thủy thủ Mỹ đều bất thành và USS Zumwalt phải cầu viện chiếc tàu khác kéo về căn cứ hải quân Balboa.

Dù công khai việc chiếc tàu chết máy nhưng nguyên nhân của sự cố này vẫn đang được Mỹ bảo mật với để điều tra. Tuy nhiên theo đánh giá của một số quan chức Hải quân Mỹ, nguyên nhân có thể có liên quan tới bộ phận trao đổi nhiệt của bộ phận cung cấp điện ở trên tàu.

Tuy nhiên, ngay sau sự cố này, tờ Pravda.ru của Nga đã tiết lộ thông tin gây chấn động rằng những sự cố của siêu hạm Mỹ có liên quan đến linh kiện do Trung Quốc sản xuất. "Siêu hạm tàng hình Zumwalt bất ngờ chết máy là do dùng linh kiện do Trung Quốc sản xuất... Những con chip độc có mặt trong hầu hết các thiết bị quân sự và hệ thống liên lạc được Mỹ sản xuất trong thời gian qua".

Báo Nga cho rằng, các microchip chế tạo tại Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới cả 2 sự cố này. Trước thông tin được truyền thông Nga đăng tải, lập tức Trung Quốc đã phủ nhận toàn bộ. "Thật nực cười khi báo Nga đưa ra cáo buộc Trung Quốc bán chip giả cho các quốc gia khác, bởi điều này sẽ hủy hoại danh tiếng và sự phát triển của Trung Quốc", Chuyên gia hải quân hàng đầu của Trung Quốc, ông Zhang Junshe tuyên bố.

Không chỉ dính đồn đoán dùng linh kiện Trung Quốc kém chất lượng, ngay trước khi bị ngất trên đường hành quân, siêu hạm trị giá hơn 4 tỉ USD của Mỹ bị coi là vô dụng khi nó đang đối diện với nguy cơ không có đạn để bắn. Với tầm bắn 160km cùng tốc độ Mach 7, pháo điện từ trên siêu hạm Zumwalt sẽ xé nát mục tiêu không cần dùng đến tên lửa.

Tuy nhiên, sức mạnh của hệ thống pháo công nghệ cao trên siêu hạm lớp Zumwalt nhiều khả năng chỉ dừng lại ở những tuyên bố bởi theo Defense News, Hải quân Mỹ đang không có đạn cho khẩu pháo công nghệ cao này. Hiện tại, hải quân Mỹ đang cân nhắc hủy bỏ chương trình trang bị loại pháo được cho là "khủng nhất" này do chi phí cho mỗi viên đạn của nó lên tới 800.000 USD.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/sieu-ham-zumwalt-ngat-trong-lan-dau-hanh-quan-3348715/