Siêu dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn tiếp tục… gặp khó

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, 'không thể cho TP HCM ứng trước hơn 2.100 tỷ đồng vì dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư'.

Phải trình Quốc hội!

Theo đó, văn bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) gửi Thủ tướng Chính phủ nêu: Liên quan đến việc tạm ứng vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1), Bến Thành - Suối Tiên, không thể bố trí vốn vì “UBND TP HCM đã phê duyệt điều chỉnh dự án tăng lên tới 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định”.

Siêu dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) "không thể tạm ứng vốn vì dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư”.

Siêu dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) "không thể tạm ứng vốn vì dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư”.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, theo kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài, trong giai đoạn 2016 – 2020, dự án sẽ được giao khoảng 7.559 tỷ đồng. Thế nhưng trên thực tế thì dự án mới được giao khoảng 4.029 tỷ đồng trong 2 năm 2016 và 2017. Và 2018 - 2019 dự án metro Bến Thành - Suối Tiên không được giao thêm vốn.

Lý do dẫn đến tình trạng nêu trên là dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư, đồng thời chưa xác định rõ được giá trị vay lại hoặc cấp phát vốn vay nước ngoài từ ngân sách Trung ương. Trước tình trạng "đói vốn" của dự án, UBND TP HCM đã từng kiến nghị với Thủ tướng xin được chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương 2.158,5 tỷ đồng của TP. Đồng thời, UBND TP HMC cũng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ KH&ĐT bố trí kế hoạch vốn cho dự án. Và có lẽ cũng chính vì điều này đã khiến Bộ KH&ĐT băn khoăn.

Theo Bộ KH&ĐT, hiện nay việc bố trí kế hoạch hàng năm vốn ngân sách Trung ương cho dự án còn vướng mắc cũng chỉ vì “dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư”.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng: “Nếu cho phép tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ứng trước vốn vay nước ngoài sẽ không đúng Luật ngân sách nhà nước. Bởi trên thực tế chưa có cơ sở khẳng định khả năng bố trí vốn năm sau cho dự án để thu hồi hết số vốn ứng trước”. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, và TP HCM phối hợp làm rõ giá trị vốn cấp phát từ Trung ương và số liệu đã giải ngân của dự án.

Tuyến metro số 1 vẫn tiếp tục gặp khó vì vẫn ở trong tình trạng đói vốn

Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị UBND TP HCM, “khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án để có cơ sở đề xuất giao giá trị vốn vay, cấp phát vốn. Trường hợp dự án còn hạn mức cấp phát từ Trung ương (vốn vay nước ngoài), Bộ KH&ĐT sẽ trình Thủ tướng giao ngay trong năm 2019”.

Vẫn tiếp tục…gặp khó?

Như vậy, theo kế hoạch trong năm 2019, TP HCM được Trung ương giao 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương (vốn vay nước ngoài), đến nay mới giao cho các dự án của thành phố khoảng 199 tỉ đồng, còn lại 801 tỷ đồng chưa giao.

Ngoài nguồn vốn này có thể bố trí cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nhưng trên cơ sở Bộ KH&ĐT phải kiến nghị Thủ tướng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thêm vốn cho dự án từ nguồn vay 5.104 tỷ đồng mà Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị giảm dự toán trong kế hoạch đầu tư trong năm 2019.

Trong trường hợp, ngân sách Trung ương không thể tạm ứng cho dự án, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho thành phố được thực hiện tạm ứng từ ngân sách TP với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên Bộ KH&ĐT cũng khá thận trọng trong vấn đề này vì: “Dự án được thực hiện từ vốn ngân sách Trung ương cấp phát và vốn do thành phố vay lại. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu vốn cấp phát, cho vay lại của dự án chưa được các cơ quan thống nhất. Do đó, trường hợp cần thiết, cấp bách, TP HCM có thể xem xét, tự quyết định việc sử dụng vốn ngân sách thành phố để thực hiện dự án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành".

Trước đó, báo cáo về những khó khăn nguồn vốn của dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ngày 12/4/2019, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM đã kiến nghị với Thủ tướng chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách T.Ư với số tiền là 2.158 tỉ đồng

Trước đó, báo cáo về những khó khăn nguồn vốn của dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ngày 12/4/2019, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM đã kiến nghị với Thủ tướng chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách T.Ư với số tiền là 2.158 tỉ đồng. Và UBND TP sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục trả tạm ứng ngay sau khi Bộ KH-ĐT bố trí có kế hoạch cho dự án. Trường hợp ngân sách T.Ư không thể tạm ứng được cho dự án, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho UBND TP được thực hiện tạm ứng từ ngân sách TP với số tiền 2.158 tỉ đồng.

Liên quan đến ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cho rằng: “Việc ứng tiền ngân sách T.Ư để đẩy nhanh tiến độ metro, là đề xuất hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Do đó, vấn đề này nên tạo điều kiện cho TP HCM, nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”.

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đồng ý với kiến nghị ứng tiền cho dự án triển khai. Tuy nhiên theo ông Dũng, phần ngân sách T.Ư liên quan đến dự án chỉ còn khoảng 800 tỉ đồng, phần còn lại đề nghị TP cho tạm ứng và thẩm quyền thuộc UBND TP.

Kết luận buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Ngày 18/4/2019, các bộ ngành liên quan phải trình để Thủ tướng ký giải quyết vấn đề tạm ứng vốn cho metro số 1. Theo Thủ tướng, cần sớm dứt điểm vấn đề này tạo điều kiện cho TP hoàn thành xong tuyến metro số 1 vào năm 2021 để làm cơ sở triển khai những tuyến metro tiếp theo.

Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một dự án điển hình về đội vốn, khi tổng mức đầu tư tăng khủng từ 17.388 tỉ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên hơn 47.000 tỉ đồng.

Dự án metro số 1 được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm 88,4% tổng mức đầu tư với hơn 209,1 triệu yên, tương đương 41.833,6 tỉ đồng.

Đến nay, đại diện Chính phủ Việt Nam là Bộ Tài chính đã ký kết với nhà tài trợ 3 hiệp định vay với tổng số vốn đã ký kết là 155.364 triệu yên, tương đương 31.208 tỉ đồng.

Vốn từ ngân sách thành phố chiếm 11,6% tổng mức đầu tư, khoảng 27.458 triệu yên, tương đương 5.491,6 tỉ đồng.

Theo báo cáo, tính đến 20/4, Bộ Kế hoạch - Đầu tư có quyết định về giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vốn ngân sách nhà nước, trong đó, bố trí kế hoạch vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cho dự án 7.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo tiến độ triển khai các gói thầu, tổng nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của dự án là 28.000 tỉ đồng, do đó, cần bổ sung 20.500 tỉ đồng.

Về thời gian thực hiện, dự án bắt đầu triển khai từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018.

Năm 2011, UBND TP HCM đã phê duyệt điều chỉnh dự án tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng “khi chưa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định”. Điều này đã khiến cho dự án “chưa chặt chẽ về cơ sở pháp lý”. Do đó, đây cũng chính là lý do khiến cho việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nhằm tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4, nên thời gian dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2020.

Hương Giang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/sieu-du-an-duong-sat-do-thi-tuyen-metro-so-1-ben-thanh-suoi-tien-van-tiep-tuc-gap-kho-148532.html