Siêu bão giết chết ít nhất 82 người ở Ấn Độ, Bangladesh, gây ra lũ lụt trên diện rộng

Siêu bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ tấn công miền Đông Ấn Độ và Bangladesh đã giết chết ít nhất 82 người, quét sạch các ngôi làng ven biển, phá hủy hoàn toàn đường dây điện và ngập lụt trên diện rộng.

Gió mạnh nhổ bật cả những cây to.

Gió mạnh nhổ bật cả những cây to.

Các cuộc di tản hàng loạt do chính quyền tổ chức trước khi siêu bão Amphan thực hiện đổ bộ chắc chắn đã cứu được vô số sinh mạng, nhưng toàn bộ thương vong và thiệt hại đối với tài sản sẽ chỉ được biết đến khi thông tin liên lạc được khôi phục, các quan chức cho biết.

Tại bang Tây Bengal của Ấn Độ, Bộ trưởng Mamata Banerjee hôm nay (21/5) cho biết ít nhất 72 người đã thiệt mạng - hầu hết trong số họ bị điện giật hoặc bị đè chết bởi những cái cây bị những cơn gió có tốc độ tới 185 km mỗi giờ (115 dặm / giờ) nhổ bật.

Ở nước láng giềng Bangladesh, số người chết tính đến nay là 10 người. “Tôi chưa bao giờ thấy một cơn bão như vậy trong đời. Giống như ngày tận thế. Tất cả những gì tôi có thể làm là cầu nguyện...” – một người người dân nói với phóng viên.

Cơn bão đã lật tung các mái tôn, làm đứt các đường dây điện và khiến nhiều ngôi làng bị ngập lụt. Khi cơn bão đổ bộ từ vịnh Bengal hôm thứ Tư, sóng biển dâng cao khoảng năm mét dẫn đến lũ lụt trên các khu vực ven biển thấp.

Được dự báo là một siêu bão, Amphan đã suy yếu kể từ khi đổ bộ. Di chuyển vào đất liền qua Bangladesh, nó đã được văn phòng dự báo thời tiết Ấn Độ hạ cấp xuống thành bão thường. Và cơn bão dự kiến sẽ giảm dần sau đó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đăng một tweet bày tỏ sự lo lắng đối với những người dân sống ở Tây Bengal: “Những hình ảnh của sự tàn phá do siêu bão Amphan gây ra ở Tây Bengal thật xót xa. Trong những giờ phút thử thách này, người dân trên toàn quốc đều hướng về Tây Bengal”.

Một người đàn ông chặt cành cây bị bật rễ sau khi siêu bão Amphan đổ bộ tại Kolkata, Ấn Độ, ngày 21 tháng 5 năm 2020.

Mối lo ngại cũng đang gia tăng về lũ lụt ở Sundarbans - một khu vực mong manh về mặt sinh thái nằm ở biên giới Ấn Độ - Bangladesh, nổi tiếng với rừng ngập mặn dày và khu bảo tồn hổ.

Belayet Hossain, một quan chức lâm nghiệp khu vực Sundarbans phía bên Bangladesh cho biết, “triều cường dân lên một phần của khu rừng. Chúng tôi đã nhìn thấy những cái cây bị bật gốc, những mái nhà bằng thiếc của các tháp canh bị thổi bay”.

Khu vực Sundarbans phía Ấn Độ, một quan chức khu vực cho biết các bờ kè xung quanh một hòn đảo thấp, nơi có khoảng 5.000 người sinh sống, đã bị cuốn trôi và anh ta không thể liên lạc với chính quyền để được giúp đỡ.

Chính quyền ở cả hai quốc gia đã tìm cách sơ tán hơn ba triệu người, chuyển họ đến nơi trú bão trước khi Amphan tấn công. Nhưng nỗ lực sơ tán chỉ tập trung vào các cộng đồng nằm trực tiếp trên đường đi của lốc xoáy, trong khi các ngôi làng phía bên cạnh đường đi của nó vẫn bị ảnh hưởng nặng nề.

Các sân bay ở Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, đã chìm ngập trong nước và một số khu phố trong thành phố 14 triệu dân này đã không có điện kể từ khi cơn bão xảy ra.

Lốc xoáy xảy ra vào thời điểm cả hai nước đang phải chiến đấu để ngăn chặn sự lây lan của virus corona và một số người ban đầu đã không muốn rời khỏi nhà vì sợ có thể bị nhiễm virus tại các điểm trú ẩn.

Sau khi cơn bão đi qua, mọi người đang cố thu thập đồ dùng từ đống đổ nát của các cửa hàng trong thành phố.

Trâm Anh (theo Reuters)

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/sieu-bao-giet-chet-it-nhat-82-nguoi-o-an-do-bangladesh-gay-ra-lu-lut-tren-dien-rong-344140.html