'Siết' thương mại điện tử xuyên biên giới

Đặc điểm nổi bật của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là thời gian để thực hiện các giao dịch là rất nhanh, thuận tiện trong việc thanh toán, nhận hàng.

Điều này đặt ra cho yêu cầu cơ quan quản lý cũng cần thay đổi phương thức quản lý.

Thời gian qua, để đáp ứng được nhu cầu quản lý hoạt động giao dịch TMĐT, Việt Nam đã ban hành các văn bản khác nhau như: Luật Giao dịch TMĐT (2005); Nghị định số 52/2013 (thay thế Nghị định số 57/2006) về TMĐT; Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Luật An ninh mạng (2018); Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định số 101/2012; Luật Quản lý thuế năm 2019...

Doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam và dự đoán đến năm 2020. Nguồn: Bộ Công Thương, Hiệp hội TMDT

Doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam và dự đoán đến năm 2020. Nguồn: Bộ Công Thương, Hiệp hội TMDT

Quản lý khó khăn

Tuy nhiên, các quy định nêu trên chưa đầy đủ, chưa đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Đặc điểm nổi bật của TMĐT xuyên biên giới là thời gian để thực hiện các giao dịch là rất nhanh, thuận tiện trong việc thanh toán, nhận hàng. Điều này đặt ra cho yêu cầu cơ quan quản lý cũng cần thay đổi phương thức quản lý theo hướng đơn giản, nhất quán, minh bạch, không phân biệt và tìm ra những biện pháp quản lý nhằm giải phóng nhanh hàng hóa trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cơ quan hải quan cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan nhanh của hàng hóa. Nhưng với số lượng người tham gia giao dịch rất lớn, trong đó đa số là cá nhân, nên thông tin, khai báo thiếu hoặc không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên dẫn đến khó ngăn chặn các lô hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, hàng buôn lậu do số lượng hàng hóa gửi nhỏ lẻ.

Thất thoát thuế và lỗ hổng cho hàng giả, hàng nhái

Thực tế, hiện nay TMĐT đang dần hình thành các chuỗi, bao gồm nhiều công ty cung ứng cho từng sàn giao dịch. Nhưng các công ty cung ứng này chưa được điều chỉnh cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan. Do đó, việc kiểm soát, chống gian lận về phân loại và xuất xứ hàng hóa vẫn còn nhiều khó khăn.

Chưa kể, mỗi lô hàng thường có có số lượng nhỏ vì vậy cơ quan kiểm tra chuyên ngành không thể đủ nguồn lực thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đối với tất cả các lô hàng nhỏ trên. Người mua hàng thường không có kiến thức về kiểm tra chuyên ngành nên gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

Khó khăn này cũng đến từ việc số lượng các sàn giao dịch TMĐT, các website TMĐT bán hàng tăng với tốc độ cao, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch và thực tế hàng hóa gần như bằng không. Do đó, hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái rất nhiều, nhưng cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được.

Cũng chính số lượng các giao dịch thanh toán lớn, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát giao dịch nào thực hiện thanh toán cho đơn hàng nào, sự phù hợp giữa thực tế thanh toán với đơn hàng dễ dẫn đến thất thoát về thuế.

Đấy là chưa kể số lượng lớn hàng hóa được đưa về Việt Nam theo dạng hàng quà biếu, hàng xách tay và được rao bán rầm rộ qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Bùi Phú

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/siet-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-156848.html