Siết quản lý thuốc

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc thuốc giả được làm nhái một cách tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng. Thậm chí, thuốc giả còn xuất hiện tràn lan tại hàng loạt các cửa hàng bán thuốc.

Ảnh minh họa.

Hàng loạt cửa hàng bán thuốc tránh thai “giả”

Trong đợt ra quân kiểm tra hàng giả, hàng nhái vào tháng 7-2018, Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và xử lý hàng loạt cửa hàng bán thuốc tránh thai Welchoice nhái nhãn hiệu NewChoice.

Cụ thể, Kiểm tra tại Công ty TNHH Thiết bị và Vật tư y tế Dongkuk, Đội Quản lý thị trường số 6 đã thu giữ 236 thùng carton (loại 36 hộp x 25 vỉ/hộp x 28 viên/vỉ) thuốc mang nhãn hiệu Welchoice. Khi tiến hành kiểm tra đột xuất một số quầy thuốc tại chợ thuốc Hapulico, Đội Quản lý thị trường số 6 cũng đã phát hiện và thu giữ hàng chục thùng thuốc tránh thai mang nhãn hiệu Welchoice, ra quyết định xử phạt các cửa hàng dược phẩm Hồng Phúc, Phương Trinh, Biển Hoa.

Tổng số hàng Welchoice bị tạm giữ ở cả các cửa hàng khác và tại các địa chỉ giao dịch của Công ty TNHH Thiết bị và Vật tư y tế Dongkuk là 350 thùng với tổng số 12.600 hộp thuốc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Quảng cáo tràn lan trên mạng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp chấm dứt hoạt động một website vì giới thiệu, quảng cáo sản phẩm nano vàng như một dạng thuốc chữa bệnh, trong khi sản phẩm chưa hề được thử nghiệm lâm sàng, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Tuy nhiên, trước đó, đã có một số người bệnh ung thư được người thân quen giới thiệu hoặc tự tìm mua trên mạng. Khi cơ quan quản lý vào cuộc, chuyên gia y tế khuyến cáo sản phẩm không có tác dụng chữa bệnh, cộng với bệnh tình không thuyên giảm, nhiều người bệnh và người nhà mới hối tiếc vì “tiền mất, tật mang”.

Đáng lo ngại, rất nhiều người dân tìm mua bằng được sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng qua quảng cáo mà không hề quan tâm đến chất lượng, tính hợp pháp của sản phẩm như các trường hợp nêu trên khá phổ biến.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương Nguyễn Đăng Lâm cho biết, nguy cơ mua phải thuốc giả trên mạng rất lớn, chủ yếu là các thuốc hiếm, đắt tiền mà thị trường trong nước ít hoặc không có. Thế nhưng với số lượng lớn các thuốc, thực phẩm chức năng bán trên mạng như hiện nay là một dấu hỏi lớn về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thực phẩm chức năng dễ dàng mua tại các siêu thị ở nước ngoài nhưng khi đưa về bán tại Việt Nam cũng phải thực hiện việc công bố sản phẩm tại Bộ Y tế để quản lý, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc; việc bán thuốc, thực phẩm chức năng theo kiểu “xách tay”, bán trên mạng là vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Phó Cục trưởng Quản lý Dược Đỗ Văn Đông cho biết, theo quy định của Luật Dược, chỉ được bán lẻ thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải có khu vực để người mua thuốc tiếp xúc và trao đổi thông tin về việc sử dụng với người bán. Như vậy, việc bán lẻ thuốc trên mạng là hành vi bị nghiêm cấm.

Phó cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Đỗ Hữu Tuấn thừa nhận, tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các website, trang mạng xã hội rất phổ biến, nhưng rất khó kiểm soát, gặp nhiều khó khăn trong xác định chủ thể quảng cáo.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra 5.653 vụ, xử lý 5.337 vụ (đạt 80,62% so với chỉ tiêu nghiệp vụ đầu năm 2018 và tăng 13,6% so với năm 2017). Tổng số tiền xử lý lên tới gần 100 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền xử lý các vụ vi phạm lên tới khoảng 78 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính là 34 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu khoảng 16 tỷ đồng và giá trị hàng tiêu hủy vào khoảng 26 tỷ đồng.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/siet-quan-ly-thuoc-tintuc411414