Siết nhà xưởng trái phép: Mất bò mới lo làm chuồng

Tại Hà Nội, sau khi xảy ra vụ cháy khiến 8 người chết trên địa bàn, cơ quan chức năng liên tục ra các văn bản rà soát, kiểm tra hoạt động của các nhà xưởng. Tuy nhiên, việc để các công trình không phép tồn tại trên đất bất hợp pháp trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp phường.

Nhà xưởng tại khu vực dọc sông Nhuệ đi qua các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông

Nhà xưởng tại khu vực dọc sông Nhuệ đi qua các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông

Lợi nhuận “khủng” từ nhà kho, nhà xưởng

Mới đây, hỏa hoạn làm cháy 4 xưởng tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến 8 người tử vong. Sự việc thương tâm trên đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại khu vực xưởng sản xuất, các dãy nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn Thủ đô.

Theo ghi nhận của phóng viên sau ngày xảy ra vụ cháy,những nhà xưởng xung quanh đã tấp nập phế liệu, hộp xốp ra vào. Cùng khu nhà xưởng tại ngõ 1 Đại Linh, một chiếc xe máy chở thùng xốp cồng kềnh bấm còi báo hiệu. Cổng xưởng mở ra để xe máy vào rồi nhanh chóng đóng lại, tránh sự tò mò. Bà H (50 tuổi) cho biết, ở đây có rất nhiều hộ làm nghề thu gom đồng nát, chai lọ, nhựa phế thải để sản xuất, các chế phẩm tập kết. “Cháy 2 ngày rồi mà vẫn còn khét lẹt, 8 người chết ám ảnh lắm. Nếu được, tôi mong giải tỏa hết khu này, dân mới yên tâm sinh sống”, Bà H nói.

Bên ngoài, từ lòng đường đến vỉa hè, rất dễ để thấy những đống phế liệu vứt ngổn ngang. Tại các khu vườn, những vựa rác lớn được tập kết, chất thành từng đống lớn. Các loại phế phẩm bao tải, nilon còn chất rải rác khắp các ngõ ngách, gây mùi xú uế, mất mỹ quan đô thị.

Đi dọc bờ sông Nhuệ qua các địa bàn phường Trung Văn (Nam Từ Liêm), phường Vạn Phúc, Phúc La (quận Hà Đông)… không khó để nhận ra những nhà xưởng, nhà trọ cấp 4 lụp xụp ven sông. Theo chính quyền địa phương, đa số đất ven bờ sông Nhuệ là đất làm vườn, đất khai hoang… chưa có sổ đỏ.

Liên hệ một số điện thoại gắn trước cửa nhà xưởng trên đường Thanh Bình kéo dài (phường Trung Văn), đặt vấn đề thuê nhà xưởng. Đầu dây bên kia cho biết, nhà xưởng của chị rộng gần 1.000m2, giá thuê là 80.000 đồng/m2/tháng. Nhà xưởng đã được lắp điện ba pha, có phòng sinh hoạt cho công nhân. Tính ra, khu nhà xưởng trái phép này thu lợi được 80 triệu đồng/tháng. Chị này cho biết thêm, nhà còn có 2.000 m2 nhà xưởng ở An Khánh (huyện Hoài Đức) ngay gần Đại lộ Thăng Long, giá thuê rẻ hơn, chỉ từ 50.000 đồng/m2/tháng.

Tại đường Phú Viên (phường Bồ Đề, quận Long Biên), hàng loạt nhà xưởng, nhà kho… cũng gây bức xúc cho người dân khu vực từ lâu. Được biết, nhiều nhà xưởng trong số này có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, trong đó có cả đất ao sau đó được những người chủ xưởng san lấp, làm xưởng và cho thuê. Một người môi giới cho biết, giá thuê mỗi mét nhà xưởng ở đây là 80.000 đồng/m2. Tuy nhiên, chỉ cho thuê 3 tháng một, tiền cọc trước 1 tháng. Đại diện UBND phường Bồ Đề cho biết, việc thuê đất mục đích là để sản xuất nông nghiệp, thế nhưng trong quá trình đô thị hóa, người dân đã tự ý sử dụng sai mục đích và xây dựng các công trình trái phép.

Cấp tập kiểm tra, rà soát

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy thảm khốc, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt đã yêu cầu rà soát với các trường hợp nhà kho xưởng, nơi sản xuất trên địa bàn quận. Theo đó, quận chỉ đạo lực lượng PCCC và phường Trung Văn tập trung rà soát công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn. Khẩn trương, chủ động điều chỉnh, kiến nghị cấp thẩm quyền để khắc phục những vấn đề có tính thực tiễn, lịch sử. Lãnh đạo quận yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để có các giải pháp xử lý kiên quyết, không để vi phạm các điều kiện hoạt động và công tác PCCC; Tuyệt đối không cấp lại điện sản xuất khu vực đã xảy ra cháy, thiết lập hồ sơ, nghiên cứu các quy định để thực hiện xử lý theo các quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, khu vực cháy là nhà tạm ven sông Nhuệ, người dân tự khai hoang sử dụng từ những năm 1990 và tự chuyển đổi thành nhà tạm giai đoạn 2008 - 2009. Về nguồn gốc khu đất, quá trình sử dụng đất, khu vực trên nằm trong chỉ giới hành lang sông Nhuệ. Nơi xảy ra vụ cháy khiến 8 người chết ngày 12/4 là công trình xây dựng trái phép với 4 nhà xưởng mái tôn.

Trong quá trình xây dựng công trình, UBND xã Trung Văn đã lập biên bản ngừng thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đối với hành vi: Xây dựng trái phép trên đất không được xây dựng công trình có kết cấu khung, vì kèo bằng thép. Ngày 19/12/2008, UBND xã Trung Văn đã ban hành Quyết định số 317/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công công trình vi phạm TTXD đối với công trình này.

Mặc dù có đầy đủ các văn bản xử lý nhưng việc thực hiện không triệt để các quyết định xử lý công trình mà sau hơn 10 năm, 4 nhà xưởng vẫn tồn tại. Đây là trách nhiệm của UBND phường đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

Đáng nói, mặc dù là công trình không phép, xây dựng trên đất lấn chiếm hành lang sông Nhuệ nhưng trong giấy Đề nghị mua điện gửi Công ty điện lực Nam Từ Liêm ngày 12/12/2015, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn Hoàng Thị Phượng vẫn xác nhận cho ông Nguyễn Hồng Chiến (Công ty CP Cơ điện lạnh Hà Nội) đủ điều kiện mua điện để sản xuất. Theo đại diện Cty Điện lực Nam Từ Liêm, đơn vị này làm đúng quy định mua bán điện. Trong trường hợp khách hàng không có sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà, hộ khẩu thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Đội quản lý trật tự xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện quận đang thành lập đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ 10 phường trên địa bàn về các công trình, nhà xưởng, nhà tạm… Sau rà soát, những nhà kho, xưởng không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa. Được biết, trước đó Phòng Đô thị quận có rà soát về loạt công trình ven sông Nhuệ, tuy nhiên rà soát mới trên 7/10 phường nên chưa có thống kê đầy đủ.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/siet-nha-xuong-trai-phep-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-1403701.tpo