'Siết' chuẩn giáo viên mầm non, có hạn chế được nạn bạo hành trẻ?

Sau hàng loạt vụ bạo hành trẻ diễn ra ở nhiều trường mầm non, mới đây, Bộ GDĐT đã đưa ra dự thảo chuẩn nghề nghiệp với giáo viên mầm non. Đây được kỳ vọng là bộ công cụ 'sàng lọc' chất lượng giáo viên cho khối học quan trọng đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều tiêu chí đặt ra quá sức và quá khắt khe.

Áp chuẩn để xóa bạo hành trẻ

Ngày 20.4 vừa qua, ông Thái Giáp Vinh - Chủ tịch phường Lê Lợi (TP.Vinh, Nghệ An) cho biết, cơ sở mầm non tư thục ABC đã chấm dứt hợp đồng đối với cô Nguyễn Thị Thanh Hải (25 tuổi, giáo viên dạy múa tại nhóm trẻ độc lập thuộc cơ sở này) do kẹp, tát bé trai 2 tuổi. Cô Hải mới công tác tại đây được vài tháng.

Siết chuẩn giáo viên cần phù hợp với thực tiễn để đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: N.T

Theo kết quả xác minh, sáng 19.4 cô Hải sau khi hết giờ lên lớp, trong lúc đi ngang lớp trẻ 2 tuổi thì thấy bé trai khóc, chạy ra hành lang đòi theo người thân khiến giáo viên đứng lớp vất vả ngăn cản...

Trước đó, ngày 10.4, một số báo có đưa clip một giáo viêm mầm non dùng vật nhựa cứng đánh liên tiếp vào người một em bé không chịu ngủ trong giờ ngủ trưa và hỏi “là thú hay là người, là người sao không biết nghe lời cô”. Cô giáo được xác minh tên Trần Bích Ngọc – giáo viên lớp Lá 1 của Trường Mầm non 30.4 (quận 1, TP.HCM). Cô Ngọc bị phụ huynh phản ánh là liên tục có hành vi bạo hành các trẻ lớp Lá khiến các bé sợ hãi mỗi khi đi học.

Đây chỉ là hai trong hàng trăm vụ bạo hành trẻ mầm non đã bị phát giác trong nhiều năm qua khiến dư luận phẫn nộ và hoài nghi về trình độ, kiến thức và đạo đức của giáo viên mầm non. Đáng sợ nhất, tháng 11.2017, dư luận rúng động về vụ bạo hành trẻ ở Trường Mầm non Tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM), theo đó, giáo viên ở cơ sở này đã dùng chân, vá múc canh, can nhựa, ống nhôm, chổi, dao… để đánh đập, bạo hành trẻ.

Tháng 2.2017, dư luận xã hội cũng phẫn nộ với hành động đánh trẻ ở Trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong clip đăng trên mạng xã hội ghi rõ cảnh cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh khiến bé bật khóc. Giáo viên này còn dùng vòi nước xịt rửa cho các bé.

Cũng trong tháng 2, bà của bé Hương (Trường Mầm non Thanh Xuân Nam, Thanh Hóa) phát hiện cháu có rất nhiều vết bầm tím ở chân. Tìm hiểu sự việc, cô giáo phụ trách Ngô Thị Thùy Linh (29 tuổi) thừa nhận dùng đũa ăn đánh cháu bé.

Vụ việc xảy ra ngày tháng 12.2013 nhiều người vẫn chưa quên được. Dư luận đau đớn trước clip bạo hành trẻ em tại điểm giữ trẻ địa chỉ số 18, đường Hiệp Bình, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (TP.HCM).

Theo nội dung clip, một số bé lớn bị bảo mẫu quát tháo bắt tự xúc ăn. Những trẻ không tự ăn, bảo mẫu liền túm cổ đặt lên ghế rồi bóp mạnh vào đầu cháu bé, ghì xuống sát đất và liên tiếp đập mạnh vào sống lưng, đầu, mông cháu bé. Thậm chí, có đoạn bảo mẫu còn xách hai tay xốc ngược bé gái lên cao rồi nắm tóc, dúi đầu vào trong thùng phuy nước mặc cháu bé giãy giụa.

Những vụ bạo hành trẻ tại các trường mầm non được lý giải xuất phát từ chính áp lực công việc, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, sĩ số lớp quá đông… Tuy nhiên, đáng báo động nhất chính là trình độ của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục. Nói về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, những vụ bạo hành đối với trẻ không chỉ xảy ra ở những cơ sở mầm non tư thục có đội ngũ giáo viên không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng mà còn diễn ra ở cơ sở có giáo viên đã qua các trường lớp đào tạo.

“Điều này gióng lên hồi chuông về việc đào tạo giáo viên mầm non ở nước ta hiện nay còn bất cập” – TS Lâm nói.

Thống kê của Bộ GDĐT cho biết, tính đến năm học 2016 – 2017, toàn ngành có 500.327 GV, số lượng giáo viên mầm non là 344.994, tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,8. Một số địa phương có tỉ lệ giáo viên/lớp khá cao như: Hà Nội (2,32), Hải Phòng (2,14), Phú Thọ (2,08), Huế (2,05), Ninh Bình (2,01), Bình Phước, Nam Định (2,0). Số lượng cán bộ, GV mầm non trong biên chế là 55,5%,

Giáo viên phải yêu nghề, kiên nhẫn

Đó cũng là lý do, mới đây, Bộ GDĐT đưa ra dự thảo chuẩn nghề nghiệp với giáo viên mầm non với nhiều tiêu chí mới, khắt khe để lấy ý kiến góp ý từ dư luận. Theo dự thảo này, giáo viên mầm non sẽ phải đạt 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí. Trong đó, 5 tiêu chuẩn bao gồm phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn; năng lực nghiệp vụ sư phạm; năng lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, dân chủ và năng lực xây dựng quan hệ xã hội.

Về phẩm chất nghề nghiệp, Bộ GDĐT nhấn mạnh những điều kiện như giáo viên phải yêu thương, tôn trọng, công bằng, gần gũi với trẻ; yêu nghề, kiên nhẫn; giữ gìn đạo đức, uy tín, danh dự nhà giáo. Về năng lực nghiệp vụ sư phạm, dự thảo yêu cầu giáo viên có năng lực nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe của trẻ; năng lực phát triển toàn diện cho trẻ và năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ…

Theo các chuyên gia giáo dục, những yêu cầu bắt buộc về phẩm chất đạo đức, năng lực như trên là vô cùng cần thiết. Chỉ khi đạt được những yêu cầu này, giáo viên mầm non mới thực sự gắn bó, kiên nhẫn với trẻ và không xảy ra bạo lực trẻ em. Tuy nhiên, để đánh giá được phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp của giáo viên nên làm song song với việc định hướng nghề nghiệp ngay từ khi bắt đầu chọn ngành, chọn nghề; bồi dưỡng đạo đức cho sinh viên sư phạm mầm non và thường xuyên có các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ ở cơ sở.

Cô Nguyễn Thị Hồng – giáo viên mầm non tại TP.Thái Bình cho rằng, môi trường làm việc của giáo viên mầm non rất áp lực, ở trường công lập, sĩ số lớp rất đông, ở trường tư thục, đặc biệt là các trường tư thục, nhóm lớp tại các khu công nghiệp mới đây Bộ còn cho phép sẽ tăng lên 70 cháu/lớp. Trong khi đó, lương giáo viên mầm non được xếp thấp nhất trong bậc lương giáo viên… Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tình yêu nghề, sự kiên nhẫn với trẻ của giáo viên.

Giáo viên mầm non không đơn giản cần kiến thức

“Đào tạo giáo viên mầm non không đơn giản chỉ là đào tạo kiến thức mà quan trọng là kỹ năng sư phạm, nắm bắt tâm lý trẻ, xử lý tình huống thực tế phát sinh... Điều này đáng tiếc lại chưa được coi trọng. Để có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu, công việc các trường cần quan tâm nhất vẫn là đầu tư đào tạo nhân sự. Trong đó, các trường phải thường xuyên có các hoạt động chuyên môn hàng tháng, mỗi học kỳ lại đào tạo chuyên sâu 1 khóa 4 - 5 tuần vào các ngày cuối tuần hoặc buổi tối. Trong các buổi học này, giáo viên được chia sẻ hướng giải quyết các tình huống phát sinh với trẻ hay cách xử lý với yêu cầu quá cao của phụ huynh…”.

Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục trí tuệ Việt

Không yêu trẻ đừng làm giáo viên mầm non

“Tính kiên nhẫn, tình yêu và tôn trọng trẻ là điều đầu tiên giáo viên mầm non cần xác định mình có hay không trước khi bước vào nghề. Bởi lẽ, ai cũng biết nghề này vô cùng vất vả và chịu nhiều áp lực. Nếu không có tình yêu đối với trẻ, dù có kỹ năng tốt như thế nào, bằng cấp cao đến đâu, thậm chí trình độ ngoại ngữ có vượt chuẩn thì giáo viên cũng sẽ rất dễ rơi vào các tình huống nóng nảy xuống tay làm tổn thương đến trẻ. Không như những bậc học khác, giáo viên mầm non phải thực sự yêu trẻ như chính con của mình mới có thể bám nghề”.

Cô Lương Thị Bích Hạnh - giáo viên mầm non tại Đông Anh (Hà Nội)

Yên tâm hơn khi giáo viên mầm non có… chuẩn

Mỗi ngày đọc báo, lên mạng xã hội bắt gặp hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non thương tâm, tôi thực sự… rùng mình. Đa số giáo viên bạo hành trẻ đều thiếu trình độ, có những người chỉ là bảo mẫu, không bằng cấp cũng được giao quản lý, chăm sóc trẻ. Không có trình độ, không được đào tạo, không có tình yêu nghề thì làm sao họ chăm sóc trẻ tốt được. Nếu giáo viên có được các tiêu chuẩn kia và được lựa chọn, sàng lọc kỹ càng thì phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi gửi con. Tuy nhiên, phải làm thế nào để các đánh giá đối với giáo viên phải đúng, không mang tính hình thức và phải được công khai cho phụ huynh được biết”.

Phụ huynh Trịnh Thị Tuyết

(Đan Phượng, Hà Nội)

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/siet-chuan-giao-vien-mam-non-co-han-che-duoc-nan-bao-hanh-tre-868864.html