Siết chặt việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với công dân trong độ tuổi

Cho rằng nhiều thanh niên trong độ tuổi đang tìm cách trốn tránh tham gia nghĩa vụ quân sự, cử tri huyện Yên Thành (Nghệ An) đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng có giải pháp để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 4/5, các đại biểu Quốc hội được bầu tại tổ bầu cử số 3, gồm các ông: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Sỹ Hội – Phó Tư lệnh Quân khu 4 và bà Hoàng Thị Thu Trang – Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bảo Thành (Yên Thành).

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 4/5, các đại biểu Quốc hội được bầu tại tổ bầu cử số 3, gồm các ông: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Sỹ Hội – Phó Tư lệnh Quân khu 4 và bà Hoàng Thị Thu Trang – Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bảo Thành (Yên Thành).

Trước khi đi vào nội dung chính của hội nghị, cử tri đã được đại biểu Nguyễn Sỹ Hội thông tin tóm tắt chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, qua đó để cử tri quan tâm theo dõi.

Thanh niên cố tình xăm trổ liệu có được gọi nhập ngũ

Sau khi phản ánh khái quát về tình hình thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự tại địa phương, cử tri Phan Đình Tráng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Bảo Thành cho biết, hiện hiện nay có không ít thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự, trong đó có nhiều trường hợp cố tình xăm trổ trên cơ thể để tránh gọi khám tuyển.

Cử tri đề nghị hội đồng nghĩa vụ quân sự có giải pháp đối với hiện tượng này. Luật Nghĩa vụ quân sự hiện không cấm người xăm trổ tham gia nghĩa vụ quân sự, tuy nhiên, thực tế hội đồng khám tuyển các cấp thường "tránh" gọi các đối tượng này. Vậy nên cử tri Tráng đề nghị, nếu cần vẫn có thể gọi các đối tượng này tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi đi làm ăn xa, cần có cơ chế thông tin sớm để công dân trở về địa phương thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Cử tri Phan Đình Tráng đề nghị cơ quan công an không làm hộ chiếu và thủ tục xuất cảnh cho các công dân đang trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự mà không có xác nhận của cơ quan quân sự địa phương. Ảnh: Đào Tuấn

Để thực hiện nghiêm túc Luật Nghĩa vụ quân sự, cử tri Tráng đề nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có xác nhận của nhà trường về kiến thức quốc phòng, an ninh chuyển về địa phương. Có như vậy mới có thể nắm bắt được lực lượng dự bị động viên và tránh tình trạng sinh viên sau khi ra trường nhưng không biết đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu.

Lễ giao nhận quân năm 2019 tại huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Cử tri Phan Đình Tráng cũng đề nghị, cơ quan công an không làm hộ chiếu và thủ tục xuất cảnh cho các công dân đang trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự nếu chưa có xác nhận của cơ quan quân sự địa phương. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp là bộ đội xuất ngũ cần được các cấp, ngành, đơn vị tạo điều kiện học nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm.

Liên quan đến chính sách hậu phương quân đội, nhiều cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm ban hành các chính sách phù hợp đối với người có công, thân nhân liệt sĩ.

Tham nhũng như “con bạch tuộc”

Cử tri Ngô Sỹ Hưng ở xã Bảo Thành đề nghị có chính sách phù hợp với người có công. Ảnh: Đào Tuấn

Nêu vấn nạn tham nhũng như “con bạch tuộc” lấn sâu mọi cấp độ vào ngõ ngách của đời sống, cử tri Nguyễn Danh Nghi ở xã Bảo Thành cho rằng, đây là cuộc chiến nhiều cam go, nhiều khó khăn. Cử tri cả nước rất mong mỏi Đảng, Nhà nước có các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh hơn để từng bước loại bỏ tệ nạn tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Qua diễn đàn này cử tri Nguyễn Danh Nghi đề nghị đại biểu Quốc hội cần bằng nhiều cách đấu tranh với nạn tham nhũng để tạo niềm tin cho nhân dân.

Cũng liên quan đến tệ nạn tham nhũng, một số cử tri yêu cầu việc xử lý tài sản tham nhũng cần được thực hiện công khai, minh bạch để nhân dân được biết.

Về vấn đề an ninh mạng, cử tri Nguyễn Danh Nghi cho rằng, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và ban hành nhưng thực tế cho thấy nhiều người vẫn thiếu hiểu biết về luật. Đặc biệt các đối tượng xấu đã lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ chế độ, bóp méo sự thật, kích động quần chúng nhân dân, gây hoang mang dư luận. Cử tri đề nghị các đại biểu dân cử cần phản ánh thực trạng này tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội và các cơ quan chức năng để Luật An ninh mạng được thực thi nghiêm túc, hiệu quả, đồng thời xử lý nghiêm khắc những kẻ cơ hội tìm cách chống phá thành quả của đất nước trên mạng xã hội.

Tại hội nghị đã có 22 lượt ý kiến liên quan đến 7 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực đã được cử tri quan tâm phản ánh. Trong đó các nội dung như: đền bù đất đai, hạ tầng giao thông, thủy lợi, chính sách đối với cán bộ xã nhưng không phải là công chức hiện đã nghỉ; những vấn đề gây bức xúc như bệnh thành tích trong giáo dục, gian lận trong thi cử, bạo lực học đường, đạo đức xuống cấp trong một bộ phận thanh, thiếu niên, tình hình tăng giá điện, xăng dầu… cũng được cử tri bày tỏ với đại biểu Quốc hội.

Ghi nhận tinh thần trách nhiệm, tích cực đóng góp ý kiến của các cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu: Các nhóm vấn đề thuộc phạm vi xử lý, giải quyết của các sở, ngành, địa phương các cấp, đề nghị người có trách nhiệm liên quan giải trình, làm rõ ngay tại hội nghị để cử tri biết.

Lãnh đạo địa phương cần thường xuyên trao đổi đối thoại với dân

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh tiếp thu và giải trình thêm các nội dung mà cử tri quan tâm. Ảnh: Đào Tuấn

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh tiếp thu và giải trình thêm các nội dung mà cử tri quan tâm.

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, thời gian qua tỉnh có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tập trung cho công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ. Theo quy định, mỗi tháng bí thư cấp xã tổ chức tiếp dân 2 lần, cấp huyện và cấp tỉnh mỗi tháng ít nhất tiếp dân 1 lần. Đây là diễn đàn để nhân dân trao đổi, đề đạt nguyện vọng của mình với lãnh đạo các cấp.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Yên Thành phải nắm bắt chắc chắn tình hình cơ sở, trả lời, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của nhân dân. Theo đó, mọi khúc mắc giữa người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ được giải quyết thông qua đối thoại, cử tri cũng nên coi đây là cơ hội để tháo gỡ khó khăn mà mình gặp phải.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Về vấn đề vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận sự ủng hộ, đồng hành của cử tri với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việ xử lý các đối tượng vi phạm. Hiện nay các cơ quan chức năng đang đấu tranh rất kiên quyết, tuy nhiên, đây không thuần túy là yếu tố kỹ thuật nên việc điều tra xác minh đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các trường hợp đăng ký tham gia mạng xã hội ở nước ngoài.

Về các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục được phát hiện thời gian qua, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với ý kiến của cử tri. Đại biểu cho biết, các cơ quan thi hành pháp luật đã xử lý rất nghiêm minh các đối tượng trong đường dây gian lận thi cử; cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để lấy lại sự công bằng, tạo niềm tin cho nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho biết, các vấn đề liên quan đến những bất cập của luật, các chính sách phục vụ đời sống xã hội mà cử tri phản ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ trình Quốc hội xem xét. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, sẽ tổng hợp đầy đủ chuyển đến các sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết.

Đào Tuấn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/siet-chat-viec-thuc-hien-nghia-vu-quan-su-doi-voi-cong-dan-trong-do-tuoi-241936.html