Siết chặt việc cấp phép sản xuất, quảng cáo dược, mỹ phẩm, TPCN

Bộ Y tế sẽ kiểm tra thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) tại 18 tỉnh, thành phố.

Kiểm tra hoạt động kinh doanh TPCN tại một cửa hàng ở Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành kế hoạch về tiếp tục triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền (sau đây gọi là dược, mỹ phẩm, TPCN).

Theo đó, từ tháng 11/2018 đến tháng 1/2019, Bộ Y tế sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng dược, mỹ phẩm, TPCN. Cùng với đó là tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng nói trên trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Việc kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, TPCN; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những biện pháp khắc phục những sơ hở bất cập và nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm.

Theo quyết định của Bộ Y tế, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thanh, kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TPHCM, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đối với sở y tế các tỉnh, thành phố, việc kiểm tra sẽ tập trung vào các nội dung:Công tác tiếp nhận, phổ biến, triển khai các văn bản quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, TPCN; việc tiếp nhận và triển khai Chỉ thị số 17 thuộc nhóm hàng nói trên.

Kiểm tra hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược, mỹ phẩm, TPCN; công tác lấy mẫu, kiểm tra, đánh giá chất lượng, thu hồi; công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Việc kiểm tra tập trung vào điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, TPCN của đơn vị được kiểm tra.Việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và quản lý chất lượng, đăng ký lưu hành, công bố tiêu chuẩn, thông tin quảng cáo các mặt hàng trên.

Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị số 17 thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền của ngành y tế thời gian qua, từ đầu năm đến hết ngày 15/9, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 27 đơn vị với tổng số tiền xử phạt gần 1 tỷ đồng. Trong đó, 21 cơ sở hoạt động về lĩnh vực dược, mỹ phẩm bị phạt hơn 770 triệu đồng, 6 cơ sở hoạt động về lĩnh vực an toàn thực phẩm bị phạt hơn 210 triệu đồng.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/siet-chat-viec-cap-phep-san-xuat-quang-cao-duoc-my-pham-tpcn/350357.vgp