Siết chặt tín dụng vào bất động sản và tiêu dùng trong năm 2018

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tín dụng bất động sản chưa có dấu hiệu 'bong bóng'. Song không thể loại trừ việc vay vốn tiêu dùng chảy sang bất động sản khi dư nợ tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng cao. Tỷ trọng cho vay bất động sản của toàn hệ thống ngân hàng hiện đạt gần 6% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi mức an toàn đưa ra là 8 - 10%.

Ảnh minh họa.

Hạn chế tín dụng vào bất động sản

Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đến hết năm 2017 đạt 471.022 tỷ đồng. Trong đó, những lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất (đạt trên 100.000 tỷ đồng) gồm: cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở; nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay đang diễn biến trái ngược với những năm trước đây, khi tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản thường gấp 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng chung ngành ngân hàng khoảng 19%, thì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chưa bằng một nửa. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn dưới mức an toàn là 8 - 10%. Trong một báo cáo mới đây, Cục Phát triển Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đánh giá, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 8% tổng dư nợ và vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, chưa có gì đáng lo ngại.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, 5 tháng đầu năm 2018, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, tín dụng BOT chỉ tăng 2,15%, tín dụng bất động sản tăng 2,19%. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. HCM, đến cuối tháng 5 - 2018, tăng trưởng tín dụng 5 tháng trên địa bàn đạt 6,42% và dự kiến 6 tháng đầu năm 2018 sẽ tăng khoảng 7,5%.

Nhận thấy rủi ro trong cho vay đầu tư vào bất động sản, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN luôn có những cảnh báo và chỉ đạo các ngân hàng thương mại thẩm định lại chặt chẽ và chỉ cho vay đối với những dự án mà chủ đầu tư có năng lực về tài chính, năng lực triển khai dự án. Đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Theo đó, chỉ cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 45% đến hết năm 2018. Từ năm 2019, giảm về 40% và giữ hệ số rủi ro 200% đối với các khoản kinh doanh bất động sản.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư kinh doanh bất động sản.

Để kiểm soát rủi ro đối với cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước liên tục cảnh báo người dân và các tổ chức tín dụng, đối với mua nhà để ở, sửa chữa nhà ở, cho thuê… có nhiều yếu tố ảo trong giá đất giá nhà hiện nay nên phải thận trọng. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại, chỉ được cho vay 50% trên tổng giá trị tài sản thay vì 70 - 80% như trước đây.

Ảnh minh họa.

Kiểm soát nguồn vốn tín dụng tiêu dùng

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này rất cần thiết cho quá trình phát triển và tăng trưởng bền vững của ngành ngân hàng nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nguồn cung tín dụng đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Lý do là bởi tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng rất mạnh, trong khi tín dụng bất động sản tăng chậm hơn. Đặc biệt, tín dụng dành cho mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Điều này gây không ít lo ngại, bất chấp tiêu dùng đang là lĩnh vực có sức hút rất lớn trên thị trường. Theo đó, nếu không kiểm soát chặt thì nguy cơ “bong bóng" tín dụng bất động sản lặp lại là điều khó tránh khỏi.

Thực tế, tín dụng ngân hàng vẫn hướng vào bất động sản, nhất là đối với phân khúc khách hàng cho vay mua nhà. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, nhờ thị trường bất động sản ấm lên, ngân hàng mới xử lý được nợ xấu, từ đó khơi dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, do thị trường này luôn “ngốn” nguồn vốn lớn, trong khi không phải chủ đầu tư nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh, nên nhiều chuyên gia lo lắng tín dụng chảy vào bất động sản sẽ làm phát sinh thêm nợ xấu ở ngân hàng.

Như vậy, nguồn vốn vào thị trường bất động sản và tiêu dùng sẽ được kiểm soát và siết chặt hơn trong năm nay.

Tuyết Thùy

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/siet-chat-tin-dung-vao-bat-dong-san-va-tieu-dung-trong-nam-2018-d131579.html