Siết chặt tiêu chí bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp

Theo quy định, các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai khi đi vào hoạt động đều phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải đạt chuẩn môi trường trước khi xả ra sông, suối. Thời gian qua, Đồng Nai đã đầu tư 1.840 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các KCN.

Hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Ajinomoto Việt Nam (TP.Biên Hòa) được tái sử dụng, không xả ra môi trường

Hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Ajinomoto Việt Nam (TP.Biên Hòa) được tái sử dụng, không xả ra môi trường

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện 31/31 KCN trên địa bàn tỉnh đang hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất gần 172 ngàn m3/ngày đêm. Các KCN có lượng nước thải lớn, ổn định đều được lắp trạm quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường để theo dõi và quản lý.

* Đầu tư vốn lớn cho xử lý nước thải

Quy định của UBND tỉnh là các KCN khi đi vào hoạt động đều phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) trong KCN đấu nối trực tiếp với nhà máy xử lý nước thải để dễ dàng trong khâu quản lý và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

Vì thế, DN đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ngay từ đầu. Các nhà máy xử lý nước thải tập trung được chia theo từng giai đoạn để đầu tư, nhưng phải đảm bảo công suất xử lý nước thải cho cả khu. Tính đến nay, các DN đầu tư hạ tầng KCN ở Đồng Nai đã chi 1.840 tỷ đồng làm hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, những DN được cấp phép xả thải trực tiếp cũng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó giám đốc Công ty CP KCN Định Quán cho biết: “Lượng nước thải của các DN trong KCN Định Quán chỉ gần 100m3/ngày đêm, song công ty vẫn đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất khoảng 1,8 ngàn m3/ngày đêm. Công ty quản lý rất chặt các khâu xử lý nước thải để đảm bảo đạt chuẩn về môi trường trước khi xả ra sông”.

Đa số chủ đầu tư hạ tầng các KCN đều xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất lớn hơn so với lượng nước thải của DN đang hoạt động trong khu. Như vậy, DN đang trong KCN sẽ thuận lợi hơn khi mở rộng sản xuất, phát sinh lượng nước thải lớn thì vẫn được xử lý đầy đủ.

Ông Phan Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO (H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Nhơn Trạch 1. Hiện KCN này đã được lấp đầy với hơn 70 DN trong nước, nước ngoài đang hoạt động. Lượng nước thải của các DN trên phát sinh hơn 7 ngàn m3/ngày đêm và đều được đấu nối về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Công ty đã chi hơn 100 tỷ đồng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất khoảng 10 ngàn m3/ngày đêm”.

* Kiểm soát chặt nguồn nước thải

Trong các KCN của Đồng Nai có hơn 1,7 ngàn dự án của DN trong nước, nước ngoài đang hoạt động. Tổng lượng nước thải phát sinh của các DN trong KCN là 119.446m3/ngày đêm, lượng nước thải được thu gom đấu nối trực tiếp với nhà máy xử lý nước thải tập trung là 90.363m3/ngày đêm, nước thải DN được cấp phép xả thải trực tiếp khoảng 28.991m3/ngày đêm và nước thải DN chưa đấu nối khoảng 92m3/ngày đêm.

Kết quả quan trắc nước thải sau xử lý hằng năm của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, Sở Tài nguyên - môi trường thì cơ bản các KCN đều xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, tại 1-2 KCN, việc xử lý nước thải chưa ổn định vẫn còn một vài thông số chưa đạt quy chuẩn môi trường như: amoni, nitơ, clo. Các trường hợp trên đều được nhắc nhở và yêu cầu ngăn chặn xử lý kịp thời.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 KCN đã được lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, còn lại 6 KCN do nước thải còn ít chưa ổn định nên sẽ được lắp đặt quan trắc tự động khi có đủ lượng nước thải.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - môi trường, Đồng Nai là tỉnh thực hiện khá tốt việc bảo vệ môi trường trong các KCN. Đến đầu năm 2019, các tỉnh, thành trong cả nước mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ là 100% các KCN, khu chế xuất đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì tỉnh đã thực hiện yêu cầu này từ gần 10 năm trước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định: “Đồng Nai rất coi trọng việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong các KCN. Vì thế, các KCN, DN được cấp phép xả thải trực tiếp có nguồn thải lớn đều phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường để theo dõi, kịp thời ngăn chặn khi nước thải xử lý không đạt chuẩn môi trường”.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Đồng Nai còn rất quan tâm đến việc xử lý khí thải của các công ty trong các KCN và đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, yêu cầu các DN thực hiện đúng việc xử lý khí thải.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202005/siet-chat-tieu-chi-bao-ve-moi-truong-trong-cac-khu-cong-nghiep-3002106/