Siết chặt quy trình chấm thi THPT quốc gia

Sau khi kết thúc kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thanh Niên. Ông Độ đánh giá về kết quả kỳ thi và thông tin những thay đổi quan trọng trong chấm thi - khâu được cả thí sinh và xã hội quan tâm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (bìa phải) trò chuyện với các TS Hòa Bình sau giờ thi - Ảnh: Tuyết Mai

Ngày 14.7 công bố điểm thi THPT quốc gia

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Có thể nói công tác in sao, bảo quản đề thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay về cơ bản chặt chẽ, đúng quy định. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế nhưng không quá căng thẳng. Công tác coi thi được chỉ đạo quyết liệt từ T.Ư đến địa phương nên các điểm thi đều đảm bảo về an ninh, an toàn, từ đề thi, bài thi, trường thi…”.

Thay đổi cơ bản trong chấm thi trắc nghiệm

Việc chấm thi được dư luận đặc biệt quan tâm do những sai phạm năm ngoái. Vậy năm nay, khâu này có những thay đổi gì, thưa ông?

Năm nay, việc chấm bài thi trắc nghiệm có sự thay đổi lớn là Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, nhân sự chủ trì chấm thi, việc chấm bài thi trắc nghiệm được giao cho các trường ĐH, thay vì để cho các địa phương như trước. Tất cả khu vực chấm thi đều được lắp camera giám sát 24/24 tương tự như khu vực bảo quản đề thi, bài thi. Đặc biệt là phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ sản phẩm. Thanh tra có quyền giám sát quá trình chấm thi. Trong chấm trắc nghiệm có tổ giám sát quy trình quét bài, chấm bài và xử lý kỹ thuật chấm thi.

Quan trọng hơn là phần mềm chấm bài thi trắc nghiệm đã được điều chỉnh theo hướng mã hóa tất cả thông tin về bài thi của thí sinh (TS). Sau khi quét ảnh bài thi thì hình ảnh đó đã được mã hóa ngay nên đến khâu chấm thi người chấm sẽ không biết thông tin của TS. Sau khi quét xong, thông tin đó lập tức được in ra CD để gửi về Bộ GD-ĐT, đảm bảo Bộ, chủ tịch hội đồng thi đều lưu giữ dữ liệu gốc để đối chiếu, kiểm tra nếu bị sửa chữa.

Bài thi trắc nghiệm của TS năm nay cũng được đánh “phách” điện tử, khâu sửa mã phách không biết phần bài làm của TS, khâu chấm bài thì không biết mã phách.

Tất cả thay đổi về kỹ thuật như vậy nhằm góp phần ngăn chặn về sai phạm, có muốn làm sai lệch điểm cũng rất khó để thực hiện.

Thanh tra chéo, chấm kiểm tra bài tự luận điểm cao

Việc chấm thi tự luận, cụ thể là môn ngữ văn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào con người và do địa phương chủ trì. Vậy có thay đổi gì để đảm bảo kết quả thi tự luận cũng công bằng, khách quan như bài thi trắc nghiệm?

Việc chấm thi tự luận cũng có những quy định nhằm hạn chế tác động chủ quan của người chấm. Thứ nhất, phải đảm bảo 2 vòng độc lập, nếu bài thi do 2 giám khảo ở hai vòng chênh nhau từ 1 điểm trở lên thì trưởng bộ môn chấm phải trực tiếp tham gia xem xét. Nếu cần thiết sẽ phải chấm thêm vòng thứ 3.

Bên cạnh đó, còn có quy định về chấm kiểm tra, ít nhất 5% số lượng bài thi ngay trong quá trình chấm, chưa kể chấm kiểm tra sau khi kết thúc. Việc chấm kiểm tra cũng tiến hành 2 vòng. Như vậy, có những bài thi sẽ có tới 4 người chấm, những bài có điểm cao bất thường sẽ được chấm lại.

Bộ cũng đưa ra quy định phải có 4 người nhập điểm trên 1 máy: 1 người đọc, 1 người giám sát đọc, 1 người nhập điểm và 1 người giám sát nhập điểm. Nhập xong lại đối chiếu, nếu chính xác mới công bố.

Vậy mức điểm như thế nào được coi là cao và phải chấm lại?

Tùy theo từng điểm thi tại hội đồng chấm. Nếu tỷ lệ điểm 9, 10 ở hội đồng chấm nhiều thì sẽ chọn ngẫu nhiên 5% bài thi ở mức điểm này để chấm lại, còn trung bình thì có thể mức điểm từ 8 trở lên sẽ coi là điểm cao, cần phải có kiểm soát, kiểm tra lại.

Tại sao năm nay Bộ lại không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc kỳ thi như các năm trước?

Năm trước, một số người đã sử dụng đáp án của Bộ để sửa bài thi của TS. Vì vậy, Bộ sẽ công bố đáp án vào thời điểm phù hợp, sau khi việc chấm thi đã qua những khâu quan trọng nhất. Ví dụ với bài thi trắc nghiệm là sau khi quét và gửi dữ liệu gốc về Bộ.

Công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi sẽ có những thay đổi ra sao, thưa ông?

Tại các điểm chấm trắc nghiệm, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường. Từ khâu mở túi bài thi, quét bài, in dữ liệu ra đĩa… đều có thanh tra Bộ giám sát bên cạnh tổ giám sát chấm thi với đầy đủ thành phần, có ghi nhật ký.

Với bài thi tự luận, năm nay có bổ sung quy định thanh tra của sở GD-ĐT tỉnh này sẽ thanh tra “chéo” việc chấm thi của tỉnh khác để tăng tính khách quan của thanh tra, giám sát.

Năm nay, sau khi các địa phương gửi kết quả chấm thi về đầy đủ, Bộ sẽ phân tích phổ điểm thi, nếu thấy điểm thi ở hội đồng thi nào bất thường thì sẽ xử lý trước khi công bố điểm chính thức.

Công khai phân tích phổ điểm

Bao giờ thì TS sẽ được biết kết quả bài thi của mình, những địa phương chấm thi xong sớm có được công bố điểm sớm không?

Dự kiến ngày 14.7, Bộ sẽ công bố điểm thi trên cả nước. Muốn như vậy thì chậm nhất ngày 12 - 13.7, các địa phương phải gửi dữ liệu điểm thi của mình về Bộ. Khi công bố điểm thi, Bộ cũng sẽ công bố phân tích phổ điểm của kỳ thi trên cả nước để nhân dân biết và giám sát.

Đề thi năm nay đánh giá là khá dễ ở nhiều môn, theo ông liệu có tình trạng “mưa điểm 10” không?

Tôi chỉ có thể nói là đề thi đã đáp ứng yêu cầu đặt ra, đó là bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Qua theo dõi, đề thi được nhiều học sinh và các chuyên gia, thầy cô giáo đánh giá là phù hợp, giảm độ khó so với năm trước nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa. Do vậy, “mưa điểm 10” theo tôi là sẽ không có.

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/siet-chat-quy-trinh-cham-thi-thpt-quoc-gia-1097621.html