Siết chặt quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Nhiều đối tượng sẵn sàng sử dụng súng để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán nhau. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn phức tạp, gây bất ổn cho xã hội.

Diễn biến phức tạp

Một ngày cuối tháng 10/2018, Hoàng Khắc Hiếu (SN 1990, trú phường Quang Trung, TP Vinh) đang ngồi ăn cùng nhóm bạn trong nhà hàng trên Đại lộ Lê Nin thì bị Nguyễn Gia Định (SN 1992, trú phường Vinh Tân, TP Vinh) đi vào gây gổ dẫn tới xô xát. Thấy Hiếu bị tấn công, nhóm người cùng bàn đồng loạt đứng dậy vơ ghế đuổi đánh Định. Hiếu rút súng ra bắn Định trúng một phát vào bụng. Lúc này, một nhóm người của Định cầm hung khí rượt đuổi Hiếu. Chạy được một đoạn, Hiếu quay lại bắn một phát trúng vào vai của Ngọc Anh. Vụ bắn nhau đã khiến 2 người bị thương, Hiếu cùng đồng bọn đã bị cảnh sát bắt giữ và khởi tố bị can về tội Giết người.

Tang vật vụ án. Ảnh: internet

Tang vật vụ án. Ảnh: internet

Việc sử dụng súng, vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn trong giới giang hồ ở Nghệ An không phải là hiếm. Theo tổng hợp từ Công an Nghệ An, từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, trên toàn tỉnh đã xảy ra 67 vụ, 77 đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án. Tính chất của các vụ án ngày càng phức tạp, các đối tượng sử dụng vũ khí càng manh động, coi thường pháp luật và tính mạng của người dân. Như mới đây, tại khối 10, phường Bến Thủy, (TP Vinh) người dân đang chơi bóng chuyền thì phát hiện 2 đối tượng đi xe máy qua chở theo dụng cụ bắt chó và bì tải nghi đựng chó. Khi người dân vây bắt, 2 đối tượng này vòng xe lại và dùng súng bắn, ném một quả bom tự chế về người dân khiến một người đàn ông bị thương ở chân do trúng đạn, 2 đối tượng gây án tẩu thoát. Sự việc trên gây hoang mang, lo sợ cho người dân.

Công an huyện Nghi Lộc tiêu hủy súng, công cụ hỗ trợ thu giữ được.

Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mua bán linh kiện, hướng dẫn lắp ráp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là súng hơi trên mạng xã hội. Sau quá trình theo dõi, Công an tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 11 vụ, 13 đối tượng có hành vi mua bán linh kiện để lắp ráp các loại súng. Ngày 30/3/2018, Công an huyện Thanh Chương đã bắt quả tang đối tượng Võ Đình Thưởng (SN 1992, trú tại thôn Thị Tứ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) đang có hành vi tàng trữ trái phép vũ khí, tang vật thu giữ được là 2 khẩu súng tự chế. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng, đã thu giữ được các vật dụng đối tượng sử dụng chế tạo súng bao gồm: máy mài, dũa, cờ lê, lò xo phanh xe máy, miếng thép định hình súng, miếng thép có đục lỗ... Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Nghệ An kết luận giám định 2 khẩu súng tự chế thu giữ của đối tượng là “Súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng”. Võ Đình Thưởng khai nhận đã tự mua những vật dụng trên, nghiên cứu tài liệu ở trang mạng xã hội để tự chế súng, mỗi khẩu được bán ra với giá 3 triệu đồng.

Trong 7 năm (từ 2011 - 2017), thông qua đấu tranh các vụ án, lực lượng chức năng đã thu giữ 40 khẩu súng quân dụng, 384 khẩu súng tự chế, 250 quả lựu đạn, 4.348 viên đạn, 4.823 kg thuốc nổ, 2.950 kg tiền chất thuốc nổ, 21.456 kíp nổ. Khởi tố, điều tra 670 vụ, 905 bị can về các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Hiện nay, số lượng vũ khí nóng, đặc biệt là súng trong dân vẫn còn rất lớn. Các loại vũ khí, bom, mìn sót lại sau chiến tranh khá nhiều, người dân nhặt được hoặc đào bới tìm kiếm được không tự giác giao nộp. Một bộ phận người dân ở các xã vùng biên, vùng sâu, vùng xa còn sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ săn bắn động vật hoang dã, đánh bắt thủy, hải sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo có xu hướng gia tăng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồn Biên phòng Tam Quang tiếp nhận vũ khí người dân giao nộp. Ảnh: Phương Linh

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, mặc dù số lượng vũ khí, vật liệu nổ được nhân dân giao nộp cũng như lực lượng chức năng thu giữ trong thời gian qua là rất lớn nhưng công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào địa bàn, tội phạm thường tự trang bị các loại vũ khí quân dụng... để phục vụ việc vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Tăng cường tuyên truyền

Có thể nói, ngoài các biện pháp kiểm tra, phát hiện và thu giữ thì biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ vẫn đang cho thấy tính hiệu quả cao nhất.

Công an huyện Đô Lương vận động nhân dân giao nộp vũ khí.

Thời gian qua, Công an huyện Đô Lương thường xuyên chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành duy trì và thành lập các tổ công tác xuống cơ sở thực hiện công tác vận động thu hồi, tiến hành phát phiếu tố giác, phát giác cho công dân và thường xuyên thu thập các thông tin từ quần chúng nhân dân để nắm bắt các đối tượng có hành vi buôn bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Bằng các biện pháp tuyên truyền, lực lượng công an đã thu hồi được 182 khẩu súng tự chế bắn đạn bi bằng hơi cồn, 1 khẩu súng quân và 46 dao, 35 kiếm.

Trong 7 năm (từ 2011 - 2017), các lực lượng chức năng đã vận động nhân dân giao nộp 142 khẩu súng quân dụng, 302 khẩu súng thể thao, 13.977 khẩu súng tự chế, 221 quả bom, 151 quả lựu đạn, 60 quả mìn, 518 đầu đạn pháo, 22.314 viên đạn các loại, 252,1 kg thuốc nổ, 843 kíp nổ, 853 m dây cháy chậm, 380 công cụ hỗ trợ, 5.465 dao, kiếm, 850 đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Cơ quan chức năng cũng phát hiện, thu hồi 85 khẩu súng quân dụng, 125 khẩu súng thể thao, 567 khẩu súng tự chế, 60 quả lựu đạn, 7.245 viên đạn, 145 kg đạn súng hơi, 1.270 kg thuốc nổ, 1.119 kg kíp nổ, 6.678 m dây cháy chậm...

Với phương châm bám địa bàn cơ sở, làm cho dân tin, dân hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lấy biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính, trong thời gian qua, Công an huyện Diễn Châu đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép việc tuyên truyền, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ thông qua các buổi sinh hoạt như: Họp xóm, họp tổ tự quản, sinh hoạt Đoàn thanh niên và tranh thủ người có uy tín trong các dòng họ tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến tích cực trong ý thức của mỗi người dân. Tính từ năm 2012 đến nay, lực lượng Công an huyện Diễn Châu đã tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp 24 kíp mìn, 2 quả lựu đạn, 5 quả mìn tự tạo, 140 khẩu súng các loại...

Có thể nói, các đợt tổng kiểm tra và vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà ngành công an phối hợp với các đơn vị khác thực hiện đã cho thấy những kết quả nổi bật. Theo lãnh đạo Công an tỉnh, ngoài việc vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí thì Công an tỉnh còn phối hợp với các cơ quan tiến hành kiểm tra đối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để kịp thời phát hiện sai sót và khắc phục. Đồng thời, thành lập các tổ công tác xuống các địa bàn cơ sở để phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn công tác thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và pháo vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Vũ khí người dân tự nguyện giao nộp.

Thời điểm cuối năm, tình trạng các đối tượng lợi dụng để tàng trữ, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ còn diễn biến phức tạp. Công an Nghệ An đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần khắc phục được những hạn chế trong việc xử lý hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí có tính năng tác dụng tương tự, nâng cao tính trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Phạm Bằng; Kỹ thuật: Sỹ Hưng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/siet-chat-quan-ly-vu-khi-vat-lieu-no-cong-cu-ho-tro-227156.html