Siết chặt quản lý việc buôn bán hàng xách tay

Thời gian qua, việc kinh doanh hàng xách tay trở nên phổ biến, tuy nhiên cùng với đó, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác hàng xách tay cũng diễn ra tràn lan.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra hàng nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo cũng được xếp vào diện hàng nhập lậu. Như vậy quy định này đồng nghĩa với việc nếu hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.

Hàng xách tay được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Hàng xách tay được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế...

Mặc dù Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2020, tuy nhiên dạo qua các tuyến phố có nhiều cửa hàng buôn bán hàng xách tay ở Hà Nội như: Nguyễn Sơn, Hàng Bông, Đội Cấn... chúng tôi vẫn thấy một số cửa hàng bày bán hàng xách tay mà không có hóa đơn, chứng từ. Tại một cửa hàng kinh doanh hàng xách tay trên phố Đội Cấn, không khó để hỏi mua các mặt hàng thực phẩm, sữa bột, đồ dùng cho trẻ em. Theo giới thiệu của chủ cửa hàng, các mặt hàng ở đây có xuất xứ chủ yếu từ Nhật Bản. Phần lớn những sản phẩm này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không ghi tên, địa chỉ đơn vị nhập khẩu về Việt Nam. Không chỉ các cửa hàng mà trên các trang mạng xã hội, việc bán hàng xách tay cũng rất sôi động. Chỉ cần gõ cụm từ “hàng xách tay” trên công cụ tìm kiếm sẽ cho kết quả rất nhiều nhóm buôn bán như: "Hàng Nhật xách tay", "hàng Úc xách tay chính hãng", "hàng xách tay Thụy Điển"... Các mặt hàng được quảng cáo rất đa dạng, từ mỹ phẩm, thực phẩm, bia, rượu cho đến máy tính, đồng hồ.... Liên hệ với một tài khoản facebook chuyên hàng xách tay để hỏi mua sữa bột, chúng tôi được chủ hàng cho biết, sản phẩm là hàng Đức nhập khẩu và không có hóa đơn, chứng từ...

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: “Một trong những nội dung được đề cập trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP là quy định về việc xử phạt hành vi buôn bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ với mức xử phạt khá cao, lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức. Tổng cục Quản lý thị trường hy vọng, với những quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, việc kinh doanh hàng xách tay sẽ dần được kiểm soát, hạn chế tối đa tình trạng buôn bán hàng lậu. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cá nhân, tổ chức làm ăn chân chính, góp phần ổn định thị trường trong nước, thu hút các đối tác nước ngoài phát triển thương hiệu tại Việt Nam. Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp với các lực lượng liên quan như hải quan, thuế, các đơn vị chức năng khác để tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cũng như các cơ sở kinh doanh các loại hàng xách tay vi phạm các quy định của pháp luật... Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến cuối năm”.

ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/chinh-sach/siet-chat-quan-ly-viec-buon-ban-hang-xach-tay-645038