Siết chặt quản lý và có biện pháp răn đe với doanh nghiệp vi phạm về chuyển giá

Cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác quản lý các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được ngành Thuế đặc biệt chú trọng đảm bảo phù hợp thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quản lý, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Công tác tuyên truyền và rà soát dữ liệu kê khai của doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ngành Thuế đặc biệt chú trọng. Ảnh: Thùy Linh

Công tác tuyên truyền và rà soát dữ liệu kê khai của doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ngành Thuế đặc biệt chú trọng. Ảnh: Thùy Linh

Thanh tra, kiểm tra 104 doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Theo Tổng cục Thuế, tính đến đầu tháng 8, toàn ngành Thuế đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với 104 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, qua đó đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 269 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan Thuế cũng xác định lại doanh thu, làm giảm lỗ hơn 1.785 tỷ đồng; giảm khấu trừ 1 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.373 tỷ đồng, trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu hơn 148 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.688 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 1.489 tỷ đồng.

Hà Nội là một trong những địa phương có tập trung lượng lớn doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết. Chính vì vậy, suốt những năm qua, Cục Thuế Hà Nội chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp. Kết quả rà soát trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, hàng năm, có trên 1.200 doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã kê khai tờ khai giao dịch liên kết. Căn cứ kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích rủi ro, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng chuyên đề thanh tra giá chuyển nhượng hàng năm. Trong 3 năm (2017-2019) đã hoàn thành thanh tra tại 254 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tổng số xử lý qua thanh tra là 3.277 tỷ đồng với mức bình quân 12,9 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong đó, số tiền thuế truy thu, phạt là 641 tỷ đồng, giảm lỗ 2.639 tỷ đồng. Cục Thuế Hà Nội cũng đã phát hiện và xử lý 96 doanh nghiệp có giao dịch liên kết do vi phạm các quy định về giá thị trường theo quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng số xử lý về giá là 4.249 tỷ đồng. Từ đó điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.672 tỷ đồng, giảm lỗ 2.252 tỷ đồng. Đồng thời truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt 325 tỷ đồng.

Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và số lượng doanh nghiệp bị phát hiện, xử lý vi phạm về giá thị trường chưa nhiều nhưng công tác thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong thời gian qua đã có kết quả khá tích cực. Các trường hợp phát hiện và xử lý vi phạm về chuyển giá, chuyển lợi nhuận đã tạo hiệu ứng xã hội nhằm răn đe, cảnh báo các truờng hợp cố tình vi phạm về chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Để làm được điều đó, theo ông Mai Sơn, công tác tuyên truyền và rà soát dữ liệu kê khai tại bàn rất được chú trọng. Hơn nữa, đơn vị cũng đã phân tích lựa chọn đúng và trúng các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá trên tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp có kê khai thông tin giao dịch liên kết để xây dựng kế hoạch hàng năm, thực hiện thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Khó nhận diện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm

Theo ông Mai Sơn, thực tế thời quan qua, nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai chưa đúng quy định; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ thông tin về các bên có quan hệ liên kết. Hơn nữa, việc nhận diện các doanh nghiệp có quan hệ liên kết có dấu hiệu vi phạm giá thị trường gặp nhiều khó khăn do việc thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế chủ yếu dựa vào thông tin trên hồ sơ khai thuế nhưng thông tin đó hiện nay trên cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế là rất hạn chế dẫn đến việc lựa chọn và xác định các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng là khó khăn. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận theo ngành cũng chưa đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra giá chuyển nhượng.

Thời gian tới, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, để giám sát và hạn chế thất thu thuế, ngành Thuế tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận để đưa ra cơ sở so sánh; đặc biệt tiếp tục giám sát chặt, theo dõi cung đường hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hàng chục năm đầu tư kinh doanh mở rộng tại Việt Nam nhưng báo cáo lỗ, không nộp thuế.

Theo Tổng cục Thuế, để quản lý hiệu quả và ngăn ngừa triệt để các hành vi chuyển giá, trốn thuế, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thì việc tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp quản lý thuế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, ngành Thuế luôn tập trung chú trọng triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp quản lý thuế từ khâu tuyên truyền, hỗ trợ, giám sát kê khai cho đến phân tích rủi ro và lựa chọn các trường hợp để thanh tra, kiểm tra, đảm bảo khuyến khích tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, đồng thời tăng cường, siết chặt quản lý và có biện pháp răn đe kịp thời đối với các đối tượng có hành vi vi phạm.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/siet-chat-quan-ly-va-co-bien-phap-ran-de-voi-doanh-nghiep-vi-pham-ve-chuyen-gia-132120-132120.html