Siết chặt quản lý thuế doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với nhiều nội dung quan trọng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

Đặc biệt, Luật Quản lý thuế đã có những quy định cụ thể trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với nhiều nội dung quan trọng, như: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, mở rộng quyền của người nộp thuế…

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với nhiều nội dung quan trọng, như: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, mở rộng quyền của người nộp thuế…

Quản lý chặt chẽ hành vi trốn thuế

Một nội dung được giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng luật là ứng xử của cơ quan thuế đối với hoạt động chuyển giá, do hành vi trốn thuế thông qua chuyển giá ngày càng phổ biến.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Luật Quản lý thuế đã nghiêm cấm hành vi thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.

Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ hành vi trốn thuế, Luật Quản lý thuế quy định nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như: Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập...

Luật Quản lý thuế cũng quy định rõ nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Đồng thời, quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Đặc biệt, công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, lần đầu tiên đã được Luật Quản lý thuế 2019 quy định rõ ràng. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, bên cạnh việc cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, Luật Luật Quản lý thuế cũng tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử trong cuộc CMCN 4.0.

Cụ thể, Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế về kê khai thuế quy định, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Luật Quản lý thuế cũng bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thương mại điện tử trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Thuận lợi cho người nộp thuế

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, một trong những điểm mới nổi bật của luật, đó là người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan thuế đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, Luật Quản lý thuế số 38 đã quy định việc đăng ký thuế bao gồm đăng ký thuế lần đầu, thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế, thông báo khi tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, khôi phục mã số thuế...

Đồng thời đã quy định để phân biệt rõ hai nhóm đối tượng đăng ký thuế. Cụ thể, người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh và người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khâu đăng ký thuế.

Đặc biệt, Luật Quản lý thuế số 38 đã sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của luật này” - Ông Lưu Đức Huy cho hay.

Theo ông Huy, một điểm mới khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đó là bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.

Đối với cơ quan hải quan, bổ sung nội dung trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau thông quan phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm, hoặc cơ quan hải quan ấn định thuế sau thông quan, thì thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung, nộp tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai ban đầu.

Hằng Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/siet-chat-quan-ly-hoat-dong-chuyen-gia-156767.html