Siết chặt quản lý thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố được coi là nét văn hóa ẩm thực thu hút nhiều người dân và du khách. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thức ăn đường phố vẫn đang là bài toán phức tạp mà lực lượng chức năng đang cố gắng giải quyết. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

 Phố ẩm thực, phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) luôn tấp nập thực khách. (Ảnh chụp lúc 20h ngày 18/1/2020)

Phố ẩm thực, phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) luôn tấp nập thực khách. (Ảnh chụp lúc 20h ngày 18/1/2020)

Dọc con phố ẩm thực nằm ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), không khó để nhận thấy những quán ăn đường phố dành cho mọi tầng lớp, đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến thanh niên, nhân viên văn phòng... Nhất là vào dịp cuối năm, các cơ quan đơn vị tổ chức tất niên, tổng kết, các quán ăn đường phố luôn tấp nập khách hàng vào, ra.

Theo chị Phạm Thị Anh (khu 3, phường Cao Xanh, TP Hạ Long): Thức ăn đường phố mang đến nhiều lựa chọn cho các bữa ăn hằng ngày, cách chế biến cũng rất hấp dẫn, ngon miệng. Dù đã đọc nhiều vụ bắt giữ thực phẩm bẩn, cũng như tận mắt chứng kiến các quán vỉa hè không đảm bảo vệ sinh như ở nhà, thậm chí có cả thực phẩm ôi thiu, nhưng với sự tiện lợi, nhanh chóng và tâm lý “khuất mắt trông coi” nên thực khách vẫn sử dụng các loại thức ăn đường phố này.

Chính sự chủ quan của người dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm trong những năm qua. Năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 50 người mắc; công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông 1.300 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính vì không đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP.

Công tác quản lý thức ăn đường phố đang được các ngành, lực lượng chức năng tăng cường, siết chặt. Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 1.216 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được phân cấp cho các địa phương quản lý.

Trong năm 2019, qua kiểm tra sơ bộ, có 451 cơ sở vi phạm (chiếm 37%); trong đó, có 307 cơ sở bị nhắc nhở, 141 cơ sở bị phạt trên 100 triệu đồng. Phần lớn các cơ sở mắc các lỗi: Ghi chép nguồn gốc xuất xứ thực phẩm không đầy đủ; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không có xác nhận kiến thức về ATTP; khâu chế biến, bảo quản, bày bán không đảm bảo gây ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Năm qua, toàn tỉnh thực hiện trên 60.600 lượt phát thanh, truyền thanh; gần 1.800 lượt phóng sự, tin bài truyền hình; hơn 2.600 tin bài đăng tải trên các trang báo in, báo điện tử...; tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi về VSATTP. Sở Y tế còn thiết lập đường dây nóng của ngành để tiếp nhận các phản ánh của người dân về thông tin cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo VSATTP; từ đó nhanh chóng kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định. Ngành Y tế tỉnh đã trang cấp cho các đơn vị y tế cấp huyện, cấp xã 125 bộ test kiểm nghiệm nhanh ATTP để giám sát chủ động trong các lễ hội, sự kiện lớn của tỉnh.

Công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh các cơ sở kinh doanh không đảm bảo VSATTP.

Thực tế, kiểm soát VSATTP đường phố gặp không ít khó khăn, do các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố luôn biến động về địa điểm kinh doanh và hoạt động ngoài giờ hành chính. Các cơ sở này đa số chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, chưa đáp ứng yêu cầu về VSATTP theo yêu cầu của Luật An toàn thực phẩm để phục vụ kinh doanh.

Đây là loại hình kinh doanh mang tính chất mùa vụ, địa điểm đôi khi không cố định. Nguồn thực phẩm để sử dụng trong kinh doanh thường mua tại các chợ nhỏ, lẻ của địa phương, nguồn gốc không rõ ràng, không trích xuất được nguồn gốc sản phẩm...

Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nguyễn Minh Chung, thời gian tới, Chi cục tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên ngành, siết chặt quản lý thức ăn đường phố, nhất là vào dịp lễ, Tết, mùa du lịch. Trong đó, thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý và công khai các cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền sát với tình hình thực tế, từng đối tượng, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để chống lại thực phẩm bẩn thông qua các đường dây nóng, trang mạng xã hội, website, cổng thông tin của ngành Y tế tỉnh và các lực lượng chức năng, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc do mất VSATTP, giúp người dân và du khách có những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ ở Quảng Ninh.

Dương Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202001/siet-chat-quan-ly-thuc-an-duong-pho-2468452/