Siết chặt quản lý mã số truy xuất nguồn gốc

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc dần không còn là thị trường 'dễ tính' đối với nông sản Việt. Ngay từ tháng 5/2018, Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam XK vào Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là 2 yêu cầu XK chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Hiện nay, toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.

Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Tuy vậy, đáng chú ý là đến thời điểm hiện tại vẫn có những DN Việt thờ ơ với điều này, vi phạm quy định. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua việc quản lý mã số vùng trồng XK sang nhiều thị trường "khó tính" và cả sang thị trường Trung Quốc chưa thực sự chặt chẽ. Vụ việc vi phạm điển hình có thể kể đến như: Mã số vùng trồng “VN- DTOR- 0017” và “VN- DTOR- 0018” không có sản lượng xoài được thu hoạch, tuy nhiên có DN vẫn dán mã số vùng trồng nêu trên để XK và bị Hải quan Trung Quốc phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật. Lô hàng xuất sang Trung Quốc bị giữ lại do không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh và phòng dịch.

Nửa đầu năm 2020, dù XK rau quả sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể song đây vẫn là thị trường NK rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần tới 60% trong tổng số trị giá XK 1,79 tỷ USD. Phải khẳng định rằng, dù cố gắng nỗ lực đa dạng hóa thị trường XK ra sao, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng của nông sản Việt. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, tận dụng tốt cơ hội từ thị trường tỷ dân này càng trở nên quan trọng.

Trong bối cảnh đó, sự lơ là trong công tác quản lý, thái độ làm ăn thiếu trung thực của một bộ phận DN XK nông sản là điều cần phải thay đổi. Bởi, những thiệt hại gây ra không chỉ tác động tới một vài DN cụ thể mà còn ảnh hưởng tới uy tín ngành hàng, gây bất lợi cho các DN làm ăn chân chính.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu từ phía Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy XK chính ngạch kết hợp nâng cao chất lượng chính là hướng đi ổn định, bền vững cho trái cây nói riêng, nông sản Việt nói chung sang thị trường này.

Bộ Công Thương cũng thường xuyên đưa ra khuyến cáo, các DN khi XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc cần thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan. Điều này nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với phía Trung Quốc và tạo thuận lợi cho việc thông quan tại biên giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/siet-chat-quan-ly-ma-so-truy-xuat-nguon-goc-130851.html