Siết chặt quản lý hoạt động lập vi bằng

Chiều 17/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm với các địa phương. Một trong những vấn đề được nêu tại hội nghị, đó là còn nhiều hạn chế trong lập và đăng ký vi bằng.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn phát biểu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Thái San

Lỗ hồng trong hoạt động lập vi bằng

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy có một số hạn chế lớn trong hoạt động lập, đăng ký vi bằng thời gian qua. Cụ thể, tình trạng Thừa phát lại (TPL) lập vi bằng nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu diễn ra ngày càng nhiều ở các địa phương, dưới hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền theo biên bản tự thỏa thuận của các bên và ghi nhận lời nói, cuộc trao đổi giữa các bên...

Trong thời gian thực hiện thí điểm (khoảng 6 năm), các VP TPL đã lập 42.911 vi bằng, doanh thu 59 tỷ đồng. Từ ngày 1/10/2016 đến 30/9/2017, các VP TPL lập 67.043 vi bằng, doanh thu gần 55 tỷ đồng.

Việc này dẫn đến tình trạng người dân nhầm lẫn giá trị pháp lý của vi bằng với giá trị của văn bản công chứng, chứng thực, kéo theo các tranh chấp, khiếu kiện, gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, đội ngũ TPL và các văn phòng (VP) TPL có dấu hiệu chạy theo số lượng vi bằng để tăng doanh thu, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút người yêu cầu mà chưa thật sự quan tâm đến việc thực hiện đúng các quy định, chất lượng của việc lập vi bằng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của TPL.

Cá biệt, có trường hợp TPL, VP TPL chấp hành không nghiêm túc yêu cầu, quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Đã có trường hợp TPL, VP TPL vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải xử lý. Cụ thể, ở TP Hồ Chí Minh có TPL ở bị miễn nhiệm do có hành vi lập vi bằng về sự kiện, hành vi mà mình không trực tiếp chứng kiến; có VP TPL bị tạm đình chỉ hoạt động vì vi phạm pháp luật về thuế, kê khai thiếu số thuế phải nộp, quản lý TPL, thư ký nghiệp vụ không tốt...
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Bộ Tư pháp đã đề nghị các Sở Tư pháp, TPL lưu ý về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản. Đối với đất đai, tài sản có Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, TPL có thể lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi của các bên trao đổi, thỏa thuận về các nội dung trước khi yêu cầu công chứng (liên quan đối tượng mua bán, giá cả mua bán, tiến độ thanh toán,...) và sau khi thực hiện công chứng (việc giao nhận tiền, bàn giao tài sản...).

Đối với đất đai, tài sản không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, TPL không được lập vi bằng để xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu. Đối với những tài sản này, TPL có thể lập vi bằng để ghi nhận hiện trạng tài sản.
TPL cần giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng cho người yêu cầu lập vi bằng, tránh tình trạng nhầm lẫn giá trị pháp lý của vi bằng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực. TPL không được phép lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi mà TPL không trực tiếp chứng kiến hoặc những sự kiện, hành vi thông qua lời kể của người khác.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng cho hay, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định, trong đó, bổ sung các hành vi vi phạm của TPL, VP TPL theo quy định của Nghị định mới và các biện pháp xử lý vi phạm nhằm siết chặt quản lý trong hoạt động lập vi bằng. Theo đó, các hành vi vi phạm quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của TPL sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, các sở Tư pháp quán triệt đội ngũ TPL giữ vững uy tín, đạo đức nghề nghiệp, tích cực, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần xây dựng uy tín, hình ảnh tốt về nghề TPL.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/siet-chat-quan-ly-hoat-dong-lap-vi-bang-321048.html