Siết chặt quản lý hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Sự phát triển của các trung tâm ngoại ngữ, tin học (NN, TH) ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thời gian qua vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội về học NN, TH, vừa là điều kiện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học này trong nhà trường. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng hoạt động, giảng dạy ở các trung tâm NN, TH, việc siết chặt quản lý là nhiệm vụ cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Một giờ học tại Trung tâm Anh ngữ Aplus (TP Thanh Hóa).

3 năm trở lại đây, các trung tâm NN, TH “mọc” lên ngày một nhiều ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nếu như năm 2016 toàn tỉnh mới chỉ có 40 trung tâm thì đến nay con số này đã lên tới trên 100 trung tâm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cấp phép hoạt động cho 19 trung tâm. Qua tìm hiểu, các trung tâm này dạy rất nhiều ngôn ngữ, như: Tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật... trong đó tập trung chủ yếu là tiếng Anh. Và, để cạnh tranh, các trung tâm đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi học phí; thuê giáo viên người bản xứ đứng lớp; đẩy mạnh quảng cáo về chương trình học ưu việt, hấp dẫn... Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy của các trung tâm có bảo đảm đúng như quảng cáo hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Đặc biệt, để có thể biết được trình độ của giáo viên tại các trung tâm như thế nào, có đạt chuẩn hay không là điều không hề dễ đối với các bậc phụ huynh. Tất cả chỉ căn cứ vào những gì trung tâm giới thiệu, quảng cáo...

Trung tâm Ngoại ngữ Vietlink có địa chỉ tại số 03, đường Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa được cấp phép hoạt động từ tháng 2-2017. Ngay sau khi được cấp phép hoạt động trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh, các lớp học được mở từ thứ 2 đến chủ nhật hàng tuần. Trong đó, các ngày thứ trong tuần, lớp học được tổ chức vào thời gian từ 17h30 đến 21h30 (2 ca), riêng thứ 7 và chủ nhật học cả ngày. Theo chị Nguyễn Thu Hương, cố vấn chuyên môn Trung tâm Ngoại ngữ Vietlink, hiện trung tâm đang có 500 học viên theo học, phần lớn các học viên học với thời gian 1 năm/1 khóa học, thời lượng 8 buổi/tháng. Kinh phí cho toàn khóa học từ 8 đến 10 triệu đồng, tùy thuộc vào giáo viên người nước ngoài giảng dạy 50 đến 100% số buổi học. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tại chỗ nếu có các cơ quan, đơn vị có nhu cầu.

Tương tự, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Thành Đạt, đến nay Trung tâm Anh ngữ Achievers (số 222B, đường Trường Thi, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) đã xây dựng được 3 cơ sở đứng chân trên địa bàn TP Thanh Hóa. Qua giới thiệu của anh Lê Vũ Quyết, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Achievers, trung tâm hiện có trên 500 học viên theo học ở cả 3 cơ sở. Đối tượng theo học tại trung tâm có độ tuổi từ 3 đến 12 tuổi, các ca học thường vào buổi chiều và tối từ thứ 2 đến chủ nhật. Học phí của trung tâm là trên 6 triệu đồng/1 khóa 6 tháng, với lớp học có 100% giáo viên nước ngoài giảng dạy ở tất cả các buổi học; 4,5 triệu đồng/1 khóa, với lớp học có 50% buổi học giáo viên nước ngoài giảng dạy...

Có thể thấy, mặc dù số tiền cho một khóa học không hề nhỏ, nhưng với tâm lý mong muốn con mình sớm được tiếp cận môn tiếng Anh, hỗ trợ môn học này cho con trong nhà trường nên nhiều phụ huynh vẫn cho con theo học tại các trung tâm mà không hề biết chất lượng, kiến thức của con thu nhận được có chuẩn hay không?. Đề cập vấn đề này, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Sự ra đời và đi vào hoạt động của các trung tâm NN, TH trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng NN, TH cho người học, đặc biệt là đối tượng học sinh phổ thông. Qua đó, giúp cho các em phát triển tốt năng lực bản thân, tự tin năng động trong giao tiếp, sáng tạo trong hoạt động và học tập. Tiềm năng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay là rất lớn, vì vậy, việc hình thành và phát triển các trung tâm NN, TH là cần thiết. Hiện, những trung tâm được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động tương đối tốt, tuy nhiên, không thể buông lỏng quản lý hoạt động của các trung tâm này, bởi ngoài những mặt tích cực, các trung tâm cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh để nâng cao chất lượng giảng dạy. Và, để quản lý tốt, sự nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ mà cần sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền.

Thực tế trong năm 2018 vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động một số trung tâm NN, TH trên địa bàn TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Hà Trung... Qua kiểm tra, phát hiện nhiều trung tâm hoạt động chưa đúng quy định. Cụ thể, về cơ sở vật chất, hầu hết các trung tâm hợp đồng thuê, mượn địa điểm (nhà ở thiết kế hộ gia đình), diện tích hẹp, phòng học, phòng làm việc của bộ máy hành chính... chưa phù hợp với hoạt động của trung tâm; bàn ghế, thiết bị dạy học chưa đúng quy định. Cá biệt, có một số trung tâm mở cơ sở hoạt động nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Một số trung tâm, đội ngũ giáo viên đang giảng dạy không đúng với quyết định thành lập và cấp phép hoạt động; không thành lập tổ chuyên môn, quản lý giáo viên còn hạn chế; hồ sơ quản lý giáo viên nước ngoài chưa đủ theo quy định... Trên cơ sở kết quả thanh tra, Sở GD&ĐT đã quyết định đình chỉ hoạt động 3 tổ chức, cá nhân tự ý thành lập và dạy ngoại ngữ trái quy định, gồm: Công ty GD&ĐT Tân Sinh (phường Đông Vệ), Trung tâm Ngoại ngữ APPLE (468G Trần Phú, phường Ba Đình), Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại (đường Ngọc Mai, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa)... Mới đây, đoàn thanh tra cũng kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với Trung tâm Anh ngữ Unike, thuộc số 25, Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa với các vi phạm treo biển hiệu không đúng quy định, sử dụng giáo viên người nước trái quy định.

Được biết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm, ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý, thời gian qua, Sở GD&ĐT còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các trung tâm trong tổ chức, hoạt động theo đúng quy định; tổ chức hội nghị để đánh giá tình hình, hoạt động, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trung tâm trong quá trình hoạt động, nhất là việc bảo lãnh cho giáo viên người nước ngoài giảng dạy, thực hiện các quy trình, thủ tục về lập hồ sơ quản lý, cập nhật các điều kiện hoạt động theo quy định mới... Cuối tháng 8-2018, khi Bộ GD&ĐT ra Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm NN, TH thay thế Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT, Sở GD&ĐT cũng đã kịp thời có văn bản hướng dẫn để các trung tâm NN, TH trên địa bàn tỉnh dễ dàng cập nhật, điều chỉnh. Trong đó, có nhiều thay đổi về chuẩn trình độ giáo viên người nước ngoài, quy mô lớp học...

Mặc dù Sở GD&ĐT đã tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động của các trung tâm NN, TH, nhưng đến nay vẫn chưa có một “thước đo” chuẩn nào trong việc đánh giá chất lượng của các trung tâm. Thiết nghĩ, để tạo lập một môi trường dạy và học NN, TH thực sự hiệu quả, thiết thực ở các trung tâm, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra; thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các trung tâm trong việc chấp hành các quy định về tổ chức, hoạt động chuyên môn. Chính quyền các địa phương cũng phải chủ động nắm bắt hoạt động của các trung tâm đứng chân trên địa bàn để nâng cao hiệu quả quản lý. Bởi chắc rằng, buông lỏng quản lý sẽ là kẽ hở tạo “hành lang” để các trung tâm NN, TH thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên

Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học (NN, TH) thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Sự phối hợp giữa các ngành còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt là sự tham gia quản lý hành chính trên địa bàn cấp xã, phường là điểm yếu hiện nay. Điều này đã tạo điều kiện cho các trung tâm chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên tồn tại; hoạt động liên kết của một số trung tâm với các cơ sở giáo dục chưa đúng quy định của pháp luật gây phản ứng từ xã hội... Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm NN, TH, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các trung tâm thực hiện nghiêm Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm NN, TH; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng dạy học; hồ sơ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên... phải thực hiện theo quy định, nhất là quản lý giáo viên người nước ngoài; thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, báo cáo đột xuất khi thay đổi giáo viên, địa điểm, số điện thoại, email về Sở GD&ĐT, tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Sở GD&ĐT cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT để quản lý hoạt động của các trung tâm theo thẩm quyền. Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin, giám sát hoạt động của các trung tâm NN, TH đóng trên địa bàn. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường báo cáo UBND cấp huyện và phối hợp với Sở GD&ĐT có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý hành chính đối với các trung tâm, không cho phép các trung tâm hoạt động trên địa bàn khi chưa được cấp phép; không cho phép diễn ra các hoạt động liên quan đến thi đánh giá năng lực NN, TH khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Khi có sự kết nối chặt chẽ giữa các bên, việc dạy và học NN, TH ở các trung tâm sẽ tiệm cận hơn với giá trị thực.

Lương Đức Hạnh

Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT

Tạo động lực cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động hiệu quả

Trung tâm Anh ngữ Aplus hiện có 16 cơ sở đặt ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi cơ sở luôn duy trì trên dưới 200 học viên, riêng cơ sở chính có 350 học viên. Phương châm hoạt động của trung tâm là dùng tiếng Anh dạy tiếng Anh, bảo đảm học viên được lĩnh hội tốt 4 kỹ năng nghe, nói, viết và ngữ pháp. Trong thời gian qua, mọi hoạt động của trung tâm đều được thực hiện theo quy định của pháp luật và căn cứ trên cơ sở giấy phép hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp. Đặc biệt, hoạt động của Trung tâm Anh ngữ Aplus nói riêng và các trung tâm khác trong tỉnh được cấp phép nói chung đã góp phần tạo môi trường ngoại ngữ sinh động và tác động tích cực đến phương pháp học tập ngoại ngữ của học sinh trong các nhà trường.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những trung tâm hoạt động sai quy định, chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường hoạt động chung của các trung tâm ngoại ngữ, gây hoang mang cho phụ huynh học sinh. Để tạo động lực cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép hoạt động hiệu quả hơn, tạo niềm tin của phụ huynh học sinh, ngành chức năng nên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Sở GD&ĐT nên có chính sách tuyên dương, khen thưởng các trung tâm có thành tích xuất sắc trong phong trào dạy và học ngoại ngữ; thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm, đánh giá chất lượng hoạt động của các trung tâm. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các trung tâm liên kết đưa giáo viên nước ngoài có chất lượng vào giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Dương Thị Thủy

Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Aplus

Phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát

Hiện, UBND phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) mới nhận được thông báo của 3 trung tâm ngoại ngữ, tin học (NN, TH) về việc đứng chân trên địa bàn phường và tổ chức các hoạt động dạy học NN, TH. Ngoài ra, còn một số trung tâm đứng chân trên địa bàn song vẫn chưa thông báo để chính quyền địa phương nắm bắt quản lý. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, tới đây, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại việc hoạt động của các trung tâm NN, TH trên địa bàn phường để cùng với ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Thực ra, trong thời gian vừa qua việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành chức năng trong quản lý chưa phát huy hiệu quả. Đã có những cuộc thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng diễn ra nhưng chính quyền địa phương không nắm được và chưa được tham gia. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngoài sự chủ động của chính quyền địa phương, các cuộc kiểm tra, giám sát của ngành chức năng như ngành giáo dục, công an cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động cho các trung tâm, đơn vị nên thông báo kết quả cấp phép cho chính quyền địa phương để cùng phối hợp quản lý. Ngoài ra, nếu người dân nắm bắt được thông tin hoạt động không đúng quy định của các trung tâm NN, TH sớm phản ánh với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý, quản lý chặt chẽ hoạt động của các trung tâm NN, TH.

Nguyễn Văn Tiến

Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/siet-chat-quan-ly-hoat-dong-cac-trung-tam-ngoai-ngu-tin-hoc/104312.htm