Siết chặt quản lý giống cây trồng

Những năm qua, cùng với việc quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, các bộ ngành Trung ương và địa phương cũng tích cực hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, phát triển sản xuất giống nên số lượng, chất lượng các loại giống cây trồng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất...

Sản xuất cây giống ăn trái ở tỉnh Bến Tre.

Sản xuất cây giống ăn trái ở tỉnh Bến Tre.

Còn hạn chế cần khắc phục

Theo Số liệu điều tra sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tại các tỉnh, thành phố phía Nam hiện có trên 2.000 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng gồm: doanh nghiệp, cơ sở hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, các viện, trường, trung tâm giống. Trong đó, vùng ÐBSCL có khoảng 1.600 tổ chức, cá nhân; vùng Ðông Nam Bộ có 200 tổ chức, cá nhân; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng có khoảng 200 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống lúa, cây ăn quả và rau màu.

Ðã có nhiều giống cây trồng mới, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Song, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, nhất là giống từ nông hộ nhỏ lẻ không sản xuất đảm bảo theo quy trình; tình trạng vi phạm bản quyền và các hành vi sản xuất kinh doanh giống cây trồng trái quy định của của pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp…Từ đó, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng cần được siết chặt hơn nữa để bảo đảm hiệu quả đầu tư, quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hiện nay, việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng tại các tỉnh, thành phía Nam theo 2 hệ thống là hệ thống chính quy và hệ thống nông hộ. Hệ thống chính quy gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm giống của Trung ương, địa phương và doanh nghiệp giống cây trồng. Các tổ chức sản xuất kinh doanh giống thuộc hệ thống này cơ bản là chủ sở hữu giống hoặc có mua bản quyền tác giả giống, có hệ thống sản xuất giống 3 cấp, hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống kho tàng, nhà máy chế biến, đóng gói tốt, có liên kết vùng chuyên sản xuất giống. Còn hệ thống nông hộ (gồm các nông hộ, tổ hợp tác, câu lạc bộ và hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh giống) hầu hết không là chủ sở hữu giống hoặc mua bản quyền tác giả giống, không có hệ thống sản xuất giống 3 cấp, không có hệ thống quản lý chất lượng, nhà máy chế biến và đóng gói. Các cơ sở giống trong hệ thống này thường sản xuất giống để phục vụ cho nhu cầu của mình, có dư thì trao đổi mua bán với nhau trong cộng đồng dân cư …

Nâng hiệu lực, hiệu quả quản lý

Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị, các cấp thẩm quyền cần rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách và quy định trong khuyến khích sản xuất và quản lý giống cây trồng nhằm đảm bảo lợi ích các bên liên quan, gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ðặc biệt, cần rà soát, bổ sung thêm các quy định đối với việc sản xuất giống tại hệ thống nông hộ để phù hợp tình hình mới trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu nâng cao chất lượng giống.

Tại hội nghị bàn giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng tại các tỉnh, thành phía Nam được tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý cần phối hợp tốt công tác quản lý sản xuất kinh doanh giống cây trồng, nhất là công tác thanh- kiểm tra, để có thị trường giống minh bạch, công bằng, người nông dân thụ hưởng được giống tốt, với giá cả phải chăng. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò của giống trong sản xuất và tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm được các văn bản, quy định của Nhà nước về các điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, bản quyền… để thực hiện tốt.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, ÐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước nên có nhu cầu rất lớn về các loại giống cây trồng, nhất là lúa giống và cây giống ăn trái. Thời gian qua, thị trường cây giống tại ÐBSCL phát triển khá mạnh mẽ và cơ bản đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng sản xuất trồng trọt của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống. TP Cần Thơ hiện có 286 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, trong đó, có 116 cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống, 71 cơ sở giống cây ăn trái. Nhìn chung, các cơ sở này cơ bản đáp ứng nhu cầu về giống phục vụ sản xuất trồng trọt của người dân. Thành phố xác định công tác quản lý giống cũng còn đối mặt những khó khăn và hạn chế cần khắc phục kịp thời. Ðặc biệt, là các vi phạm quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh giống cây trồng: sản xuất kinh doanh giống chưa có nhãn hiệu đúng quy định, kinh doanh giống không có trong danh mục được phép kinh doanh, sản xuất giống không đảm bảo quy trình… Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho rằng: “Ðể tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, từng bước nâng cao được giá trị nông sản thì nhiệm vụ hàng đầu cần phải quan tâm là chú trọng chất lượng giống cây trồng. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển sản xuất giống cây trồng đạt chất lượng và tạo thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận các loại giống cây trồng. Tổ chức tập huấn về điều kiện sản xuất kinh doanh, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật… để các tổ chức, cá nhân nắm và thực hiện tốt các quy định”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng giống và tránh tình trạng vi phạm bản quyền giống, rất cần có sự phối hợp, liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất kinh doanh giống. Tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ năng lực sản xuất giống đạt chất lượng và chứng nhận. Song song đó, chú ý quản lý, công nhận vườn cây đầu dòng và mở rộng diện tích cây đầu dòng, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, chú ý kiểm soát chặt nguồn gốc cây bố mẹ, cây đầu dòng; thông tin ghi trên nhãn mác, bao bì; tăng cường kiểm dịch đồng ruộng cả đối với giống sản xuất trong nước và nhập khẩu…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/siet-chat-quan-ly-giong-cay-trong-a122940.html